Trong 40 năm qua, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã hoạt động an toàn, đúng kế hoạch gần 70.000 giờ. Lò đã được khai thác và sử dụng có hiệu quả để sản xuất đồng vị phóng xạ, phân tích kích hoạt, nghiên cứu khoa học, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết như trên tại Lễ kỷ niệm 40 năm ngày khánh thành công trình Khôi phục và mở rộng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt ngày 23/3.
Cùng với thiết bị chính là lò phản ứng hạt nhân, một hệ thống các phòng thí nghiệm chuyên ngành hiện đại từng bước được hình thành và đưa vào hoạt động, phục vụ nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, đưa kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Lò phản ứng hạt nhân TRIGA Mark-2 công suất 250 kWt được Mỹ xây dựng tại Đà Lạt từ năm 1963. Trước ngày giải phóng miền Nam, toàn bộ các thanh nhiên liệu của lò đã được tháo dỡ để chuyển về Mỹ, nên lò không còn khả năng hoạt động. Được sự giúp đỡ của Chính phủ Liên bang Xô-viết trước đây, ngày 15/3/1982, công trình Khôi phục và mở rộng lò phản ứng được chính thức khởi công và hai năm sau, vào ngày 20/3/1984, với tên mới là Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và được chính thức đưa vào vận hành với công suất danh định là 500 kWt, gấp đôi so với công suất của lò TRIGA trước đây.
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt sẽ hoạt động đến năm 2033 theo Giấy phép đã được Bộ KH&CN cấp.
Bài đăng số 1285 (số 13/2024) KH&PT
Mai Ngọc