Theo các chuyên gia, thuốc BVTV nếu được phun đúng liều lượng, cách ly đúng thời gian thì sản phẩm thu được sẽ an toàn.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam chi khoảng 500 triệu USD để nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật BVTV. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã chi tới 400 triệu USD (gần 9.000 tỷ đồng) để nhập thuốc trừ sâu và nguyên liệu, tăng 41,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu từ Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam còn ấn tượng hơn: Trong các năm từ 2013 đến 2015, mỗi năm Việt Nam chi từ 824-871 triệu USD để nhập khẩu thuốc BVTV.


Những con số này có thể khiến bất kỳ ai kinh hãi, bởi “hóa chất”, “phun thuốc” đang là những từ rất nhạy cảm do sự ám ảnh của cộng đồng về thực phẩm bẩn và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, không chỉ Việt Nam mà cả trên thế giới, thuốc BVTV cũng được coi là một biện pháp hữu hiệu để đảm bảo năng suất, sản lượng nông nghiệp trong cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Thị trường thuốc BVTV thế giới có tổng giá trị 40 tỷ USD mỗi năm và tăng bình quân từ 2-2,5%/năm.

Ông Trương Quốc Tùng - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam - nêu quan điểm: “Cần có sự nhìn nhận công bằng về thuốc BVTV. Hiện nay người dân đi chợ mua rau cỏ, hoa trái đều chăm chăm tìm đồ không phun thuốc. Tuy nhiên trên thực tế, việc “nói không” với thuốc trừ sâu chỉ có thể áp dụng trong trường hợp trồng quy mô nhỏ, phục vụ một vài gia đình. Nếu sản xuất ở quy mô lớn, không thể không sử dụng thuốc BVTV”. Ông Tùng cho biết, những cánh đồng lúa trước bệnh dịch sâu đục thân, sâu cuốn lá hay bệnh đạo ôn... nếu không dùng thuốc thì chỉ có nước mất trắng; và việc dùng thuốc trừ cỏ giúp nông dân giảm đến 80-90% công lao động.


Các chuyên gia khẳng định, thuốc BVTV nếu được phun đúng liều lượng, cách ly đúng thời gian thì sản phẩm thu được sẽ an toàn. Dưới tác động của ánh sáng, môi trường vi sinh vật, sau từ 15-30 ngày, thuốc phân rã hết, đảm bảo dư lượng trong sản phẩm ở ngưỡng cho phép. Vì vậy, thuốc BVTV không có lỗi, lỗi là ở con người khi sử dụng quá liều, sai cách.

Theo thống kê của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện có hơn 1.600 hoạt chất trừ sâu với hơn 4.000 sản phẩm thương mại lưu hành trong nước. Riêng với Chlopyrifos Ethyl đã có 124 sản phẩm thuốc trừ rầy, sâu đục thân. Từ chất Tricyclazole trừ đạo ôn trên lúa, có 57 sản phẩm đơn chất và 6 sản phẩm hỗn hợp.

Giữa “ma trận” này, nông dân do không có kiến thức nên thường làm theo thói quen và chỉ dẫn của người bán.Trong khi đó, điều tra của Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam cho thấy, chỉ từ 30-60% số đại lý biết cách sử dụng thuốc BVTV. Đó là chưa tính đến việc do hám lợi, nhiều đại lý “tư vấn” theo hướng khuyến khích nông dân sử dụng thuốc nhiều hơn.

Ông Trương Quốc Tùng cho rằng: “Thay vì tẩy chay thuốc BVTV, hãy tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo bài bản và xây dựng hệ thống giám sát để đảm bảo thuốc BVTV được sử dung đúng quy trình, đúng liều lượng và thời gian cách ly”. Và để làm được điều đó, không thể chỉ có “cái tâm” của nhà nông và nhiệt tình của nhà khoa học.