“Đây là một sự kiện do các cộng đồng tổ chức; Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch Đầu tư đứng ra để chủ trì, còn lại phần nội dung là từ các cộng đồng”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban tổ chức nói tại buổi khai mạc sự kiện.
Trong ba ngày 14,15,16/8/2019, Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) đang diễn ra tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Chương trình do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại học Bách Khoa Hà Nội cùng Báo điện tử VnExpress tổ chức.
Ngày hội AI4VN được kỳ vọng trở thành một trong những nền tảng, động lực thúc đẩy công nghệ AI phát triển ở Việt Nam, thông qua kết nối các thành phần của hệ sinh thái bao gồm viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, startup - cộng đồng AI. "Với chủ đề ‘Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái Trí tuệ nhân tạo’, chương trình AI4VN 2019 diễn ra theo mô hình mở, là nơi kết nối và tụ hội của các thành tố trong cộng đồng AI", Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại buổi khai mạc sự kiện sáng ngày 15/8.
AI4VN năm nay bao gồm nhiều hoạt động thuyết trình, thảo luận, workshop, triển lãm, biểu diễn công nghệ, cuộc thi hackathon...dự kiến thu hút 2.000 người tham dự. Khách mời trong ngày hội này lên tới hàng trăm người, là các chuyên gia AI trong và ngoài nước, nhằm định hướng phát triển cho lĩnh vực này ở Việt Nam.
Từ phía các nhà nghiên cứu, AI4VN bao gồm 4 bài giảng đại chúng, 6 bài tham luận tập trung vào những xu hướng phát triển và ứng dụng AI toàn cầu và hàm ý chính sách cho Việt Nam. Trong đó, có thể kể đến bài thuyết trình của những chuyên gia đến từ các cơ sở hàng đầu thế giới như Tiến sĩ Ulli Waltinger, Siemens; Giáo sư Stefano Ermon, Đại học Stanford, Mỹ (nói về kết hợp hình ảnh vệ tinh và máy học để dự đoán đói nghèo); Giáo sư Marimuthu Palaniswami, Đại học Melbourne, Úc (nói về cảm biến thông minh, mạng cảm biến và xử lý thông tin để theo dõi các nguy cơ thiên tai, sức khỏe, các sự kiện bất thường, v.v...)
Giáo sư Marimuthu Palaniswaminói mạng thiết bị cảm biến và xử lý thông tin để theo dõi các nguy cơ thiên tai, sức khỏe, các sự kiện bất thường, v.v...
Giáo sư Stefano Ermon nói về bản đồ nghèo đói ở Châu Phi xây dựng dựa trên hình ảnh vệ tinh (về đường xá, nhà cao tầng, đường điện, giao thông, cây trồng, v.v...)
Ngoài các tham luận tổng quan nói trên, ngày hội
AI4VN có 10 hội thảo chuyên đề đi sâu vào từng lĩnh vực áp dụng AI như du lịch, y
tế, giáo dục, công nghệ tài chính… với khách mời là các chuyên gia, giáo sư,
trưởng phòng nghiên cứu AI quốc tế từ các cơ sở đào tạo nhân lực AI trong cả
nước như Đại học Bách Khoa, Đại học Công nghệ, Học viện kỹ thuật quân
sự,...cùng thảo luận và đề ra giải pháp toàn diện cho phát triển ngành AI ở
Việt Nam.
Từ phía doanh nghiệp, sáng ngày mai
16/8, phần thảo luận bàn tròn giữa các CEO công nghệ hàng đầu Việt Nam đến từ
các tập đoàn công nghệ lớn như FPT, VinAI… sẽ nói về về thực trạng phát triển
ngành công nghiệp AI tại Việt Nam và các giải pháp để thúc đẩy lĩnh vực này.
Khách tham quan gian hàng Hệ thống giám sát hình ảnh phương tiện giao thông của Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông.
Gian hàng của GMO-Z.com RUNSYSTEM, kỹ thuật viên giới thiệu sản phẩm SmartRPA dành cho doanh nghiệp, tự động thu thập thông tin (sản phẩm, giá, phân khúc, v.v... ) của doanh nghiệp đối thủ
Trên thế giới, theo nghiên cứu mới nhất của hãng tư vấn công nghệ Gartner, ngành công nghiệp AI toàn cầu năm 2018 có sự tăng trưởng đột phá (cao hơn 70%) so với năm 2017, đạt giá trị gần 1,2 nghìn tỷ USD. AI có khả năng trở thành công nghệ mang tính đột phá nhất trong 10 năm tới nhờ có những tiến bộ về công suất tính toán; sự nhảy vọt về khối lượng, tốc độ và sự đa dạng của dữ liệu.
Tại Việt Nam từ năm 2014, AI được đưa vào danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển. Chính phủ xác định đây là một trong các công nghệ đột phá, mũi nhọn của cuộc CMCN 4.0, cần tổ chức triển khai nghiên cứu nhưng chưa có những nội dung cụ thể thúc đẩy phát triển. Tháng 10/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành kế hoạch triển khai "Nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2025" nhằm liên kết các bên phát triển, nghiên cứu, triển khai và ứng dụng công nghệ AI, thúc đẩy công nghệ phát triển ở các lĩnh vực trọng điểm, có thế mạnh.