Môi trường kinh doanh mà tạo ra động lực đúng thì tự nhiên doanh nghiệp sẽ làm ăn chân chính, đàng hoàng. Môi trường kinh doanh mà tạo động lực lệch lạc thì doanh nghiệp phải “uốn éo” theo cách động lực lệch lạc đó mà tồn tại.
Nguồn hình minh họa: Báo Công thương.
Sau vụ việc khăn lụa Khaisilk “Made in China”, vụ việc của Asanzo mặc dù có thể là khác đi (do còn có khâu lắp ráp và khẳng định sử dụng 30% hàng nội địa hóa cho tivi), nó vẫn là một nhát đâm khác vào tim những người muốn ủng hộ hàng Việt Nam. Bây giờ, nhiều người mang một tâm thái nghi ngờ đối với đủ loại hàng đang mang nhãn mác Made in Vietnam, hay thậm chí là mất niềm tin vào những thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao.
Nhưng ở một góc nhìn khác, liệu có ai nghĩ sâu hơn vì sao doanh nghiệp Việt phải “đội lốt” hàng Made in Vietnam như vậy? Phải chăng là vì phong trào kêu gọi người Việt dùng hàng Việt là sáo rỗng ở một số phân khúc sản xuất, chẳng hạn như hàng điện tử, xe hơi...
Mặc dù Việt Nam có một số cơ hội trong một số phân khúc sản xuất như hàng nông sản, thực phẩm chế biến ... còn đa số các ngành công nghiệp sản xuất và phụ trợ của Việt Nam “tan hoang”, vì sự lãng phí tài nguyên, nguồn lực và ưu đãi cho các ông lớn nhà nước, vì ưu đãi cho công ty nước ngoài, còn doanh nghiệp trong nước toàn phải đi gia công, làm các công đoạn giá trị thấp xuất khẩu cho đối tác nước ngoài và không được chuyển giao công nghệ.
Cộng với việc bị nhũng nhiễu bởi các loại thủ tục, giấy phép con, đã giết chết những ước muốn làm hàng Made in Vietnam chân chính của nhiều doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp may mắn còn có thể làm hàng Made in Vietnam thật sự phải chen chân chung với những doanh nghiệp “đội lốt”. Với những doanh nghiệp “đội lốt” đó, họ cũng có khi không muốn thật tâm lừa gạt người dùng. Nhưng họ phải tồn tại trong cái môi trường này cái đã.
Với môi trường kinh doanh như vậy, thì hàng Made in Vietnam họ làm cũng chỉ có thể là nhập 70%, thậm chí 90% của Trung Quốc về và lắp ráp. Bởi vì linh kiện trong nước sản xuất không được, hoặc quá đắt, hay không tốt bằng. Với tư duy đi tắt đón đầu, muốn làm những cái to lớn, 4.0, muốn có xe hơi, điện thoại thông minh của các lãnh đạo ngành, thì doanh nghiệp tử tế nào có thể tồn tại với tư duy dài hơi đầu tư cẩn thận làm từng cái linh kiện với mục tiêu cạnh tranh sòng phẳng với Trung Quốc.
Với môi trường kinh doanh mà chính sách thay đổi liên tục, thì trách sao mà doanh nghiệp không có tầm nhìn ngắn hạn, ăn nhanh. Cái môi trường đó lại rất phù hợp với những dự án bất động sản đánh nhanh thắng nhanh, bất chấp pháp lý và tổn hại môi trường. Môi trường kinh doanh nào thì doanh nghiệp thế ấy mà thôi. Môi trường kinh doanh mà tạo ra động lực đúng thì tự nhiên doanh nghiệp sẽ làm ăn chân chính, đàng hoàng. Môi trường kinh doanh mà tạo động lực lệch lạc thì doanh nghiệp phải “uốn éo” theo cách động lực lệch lạc đó mà tồn tại.
Vì vậy, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu những phát hiện về hàng đội lốt Made in Vietnam sẽ còn tăng nữa nếu người ta đi điều tra sâu rộng hơn. Đó là vì môi trường kinh doanh tạo ra những động lực lệch lạc cho doanh nghiệp. Là vì cơ quan quản lý như Bộ Công thương thừa nhận những lỗ hổng pháp lý như không có qui định cụ thể về hàng Made in Vietnam.