Viện Tài nguyên thế giới (World Resources Insititute - WRI) vừa công bố bản đồ rủi ro nguồn nước Aqueduct (Aqueduct Water Risk Atlas) vào đầu tháng 8 vừa qua, giúp các công ty, doanh nghiệp, nhà đầu tư và chính phủ xác định và đánh giá rủi ro về nguồn nước trên toàn cầu.
Hiện nay, nền tảng này của WRI đã được sử dụng bởi hơn 50 nghìn người và 300 công ty mỗi năm.
Mặc dù đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu rằng, tài nguyên nước của Việt Nam đang bị đe dọa, tình trạng khan hiếm và suy giảm nguồn nước đang diễn ra do khai thác quá mức, nhưng theo bản đồ của WRI, mức độ rủi ro về nguồn nước của Việt Nam vẫn thuộc hàng thấp nhất trên thế giới.
Trong những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến hàng loạt những ngày “Day Zero” (ngày không nước), là các ngày mà vòi nước bị cạn khô, đe dọa cuộc sống của các thành phố lớn ở khắp nơi trên thế giới từ Cape Town (Nam Phi) đến Sao Paolo (Brazil) và Chennai (Ấn Độ).
Theo bản đồ của WRI, có 17 quốc gia, chiếm 1/4 dân số thế giới, đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về nguồn nước ở mức độ rất cao (bao gồm chủ yếu các nước ở châu Á và châu Phi). Tại các quốc gia này, các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp và đô thị ở những nước đó đang ngốn tới 80% nước trên bề mặt và nước ngầm trung bình mỗi năm. Ở Việt Nam, con số này mới chỉ là 10%.
Hảo Linh