Ngày 26/9, tại Hà Nội, hội thảo – triển lãm Vietnam Finance 2018 với chủ đề “Chuyển đổi số trong ngành tài chính” được tổ chức. Đây là sự kiện thường niên do Bộ Tài chính phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) Việt Nam tổ chức.

Vietnam Finance đã trở thành diễn đàn công nghệ thông tin (CNTT) uy tín trong lĩnh vực tài chính công được tổ chức thường niên. Vietnam Finance đã trở thành nơi kết nối và chia sẻ thông tin hiệu quả liên quan đến các giải pháp CNTT trong ngành Tài chính.


Toàn cảnh hội thảo.Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh và các phương thức sản xuất, kinh doanh mới để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Để tận dụng được cơ hội và hạn chế thách thức do CMCN 4.0 mang lại, Việt Nam cần ban hành một cách đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan đến CMCN 4.0, trong đó hệ thống chính sách thuế và tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc huy động, phân bổ nguồn lực và hỗ trợ cho các DN, tổ chức, cá nhân tham gia vào cuộc CMCN 4.0; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ của Bộ Tài chính về việc triển khai ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 trong lĩnh vực Tài chính – ngân sách với mục tiêu “Bộ Tài chính chủ động áp dụng các thành quả công nghệ của cuộc CMCN 4.0, xây dựng nền tảng quản trị thông minh, cung cấp các dịch vụ tài chính thông minh, tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số. Mục tiêu đến năm 2025, ngành Tài chính cũng hoàn thành xây dựng Tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, bền vững, công khai, minh bạch…, chia sẻ dữ liệu và nền tảng số hóa, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, DN và các tổ chức.

Từ định hướng đó, Bộ Tài chính xác định năm 2018 là năm khởi đầu, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trính chuyển đổi số ngành Tài chính trong một chương trình, mục tiêu dài hạn. Trên thực tế, trong nửa đầu năm 2018, Bộ Tài chính đã và đang nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới, là công nghệ “lõi” của cuộccách mạng4.0 cũng như đang tiệm cận gần đến CMCN 4.0 gồm: công nghệ mạng xã hội (Social), công nghệ di động (Mobility), công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Analytics), công nghệ điện toán đám mây (Cloud) và công nghệ an toàn thông tin (Security). Cũng từ những nỗ lực đó, tháng 7/2018, Bộ Thông tin và truyền thông đã công bố Bộ Tài chính xếp hạng nhất về việc ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử. Kết quả này đã ghi nhận chính xác nỗ lực thúc đẩy ứng dụng CNTT nhằm chuyển đổi số ngành Tài chính.

Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công ngành Tài chính là điều không hề dễ dàng. Dù đã nỗ lực ứng dụng nhiều công nghệ mới nhưng cơ bản, nền tảng CNTT ngành Tài chính của Việt Nam vẫn còn chưa bắt kịp nhiều quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới. Việc kết nối và tự động hóa các quy trình nghiệp vụ của các ngành Hải quan, Thuế, Kho bạc còn chưa đồng nhất với hệ thống, tiêu chuẩn chung của thế giới vô tình đã tạo ra rào cản cho việc phát triển.

Trong bối cảnh đó, Hội thảo – Triển lãm Vietnam Finance 2018 về công tác chuyển đổi số sẽ giới thiệu về lộ trình đầu tư, lộ trình thực hiện công tác chuyển đổi số ngành Tài chính và trao đổi kinh nghiệm, phương hướng áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến trong nước và quốc tế giúp tăng cường hiệu quả, minh bạch trong quản lý tài chính, hướng đến nền tài chính số tiên tiến, hiện đại, phục vụ đắc lực cho nền kinh tế số.

Còn Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho rằng, thế giới đang bước vào cuộc CMCN 4.0, nền kinh tế số và Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế tất yếu đó. Bộ Thông tin và Truyền thông luôn đánh giá cao ngành Tài chính trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử. Bộ Tài chính luôn trong top dẫn đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, đặc biệt là việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao rất hiệu quả (thuế, hải quan, hàng năm xử lý trên 20 triệu hồ sơ trực tuyến). Công nghệ tài chính (Fintech) cũng là công nghệ mới, phát triển nhanh, hàng đầu giúp các DN nắm bắt các cơ hội để phát triển, ứng dụng công nghệ số, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Ngành tài chính nắm giữ 3 lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế là thuế, hải quan và kho bạc. Do đó, thách thức lớn là làm thế nào tạo cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành. Bên cạnh những thách thức về xây dựng hạ tầng, đảm bảo an toàn an ninh mạng, hiện Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng 3 nghị định về kết nối liên thông hệ thống thông tin, về xác thực, định danh điện tử, bảo vệ thông tin cá nhân... Với sự hoàn thiện cơ sở pháp lý cũng là điều kiện tốt để xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới chuyển đổi số.

Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng tin tưởng, ngành tài chính sẽ là một trong những ngành đi đầu trong triển khai chuyển đổi số tại Việt Nam, phù hợp với xuthế mới. “Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan quản lý chuyên ngành ICT luôn sẵn sàng phối hợp, đồng hành và hỗ trợ cùng ngành tài chính trong quá trình chuyển đổi số”, Thứ trưởng Hưng cho biết.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp đã thảo luận theo các chuyên đề liên quan như: Chuyển đổi số lĩnh vực Kho bạc Nhà nước”, “Chuyển đổi số lĩnh vực Hải quan”, “Chuyển đổi số lĩnh vực Thuế”...


Đại diện các các công nghệ lớn tham gia triển lãm bên lề Hội thảo.Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Ngoài các chuyên đề Hội thảo, khu vực triển lãm Vietnam Finance 2018 sẽ đem đến những trải nghiệm chân thực về các mô hình, các sản phẩm/giải pháp CNTT hiện đại giúp thúc đẩy tiến trình xây dựng nền tài chính số. Đại biểu tham dự sẽ được trao đổi trực tiếp với những nhà cung cấp sản phẩm, thiết bị công nghệ hàng đầu thế giới để đươc giải đáp những thắc mắc xoay quanh vấn đề ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình chuyển đối số hiện nay. Đặc biệt, năm nay, thành phần tham dự hội thảo chỉ bao gồm những nhà quản lý, các chuyên gia nhận được thư mời trực tiếp của Bộ Tài chính và Ban Tổ chức. Sự kiện có sự tham gia của các công ty, tập đoàn CNTT tiêu biểu trong nước và quốc tế như: Microsoft, IBM, HP, Dell, CISCO, Hitachi, Fujitsu, PwC, Juniper Network, Polycom, FPT, CMC, HPT, MISA, Thái Sơn soft, Netnam, HCHV ASIA…