Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế toàn diện trên mọi lĩnh vực trong nửa đầu năm 2018, tuy nhiên, đà tăng trưởng giảm nhẹ trong sáu tháng cuối năm.
Đây là nhận định chính được đưa ra tại buổi họp báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhằm công bố báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2018 (ADO) và cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam. Buổi họp báo được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 26/9.
ADO là ấn phẩm hàng đầu của ADB, cung cấp những đánh giá về tình hình phát triển kinh tế gần đây, đồng thời đưa ra dự báo trung hạn cho các quốc gia tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Tăng trưởng tốt trên mọi lĩnh vực
Theo bản báo cáo này, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 7,1% trong nửa đầu năm 2018, so với mức 5,8% cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, ADB dự báo kinh tế của Việt Nam trong cả năm 2018 chỉ tăng ở mức 6,9%. Nguyên nhân là do khả năng tăng trưởng trong các lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp, xây dựng và khai khoáng dự kiến giảm nhẹ vào nửa cuối năm nay.
ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 ở mức 6,8%.
"Mức độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã đạt được kết quả tốt trên tất cả các lĩnh vực, với động lực tăng trưởng là ngành sản xuất chế tạo tiếp tục mở rộng, sản xuất nông nghiệp có hiệu quả cao hơn, ngành dịch vụ ổn định, tiêu dùng trong nước được duy trì tốt, và đầu tư dồi dào từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước", Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, cho biết.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng nông nghiệp và các ngành kinh tế liên quan tăng trưởng 3,9%, so với mức 2,7% trong nửa đầu năm 2017. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp tăng 9,3%, so với mức 5,4% của cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng công nghiệp chế biến chế tạo tăng 13% do sự tăng trưởng ấn tượng trong các ngành xuất khẩu như viễn thông, điện tử và dệt may. Nhờ sự tăng lên mạnh mẽ của lượng khách du lịch quốc tế, lĩnh vực dịch vụ tăng gần 7,0%, tương đương tốc độ tăng trong 6 tháng đầu năm ngoái.
Nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ tăng trưởng tốt trong ngắn hạn nhờ nhu cầu trong nước được duy trì, điều kiện kinh doanh được cải thiện, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Tăng chi tiêu công trong nửa cuối năm nay được dự báo sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong đầu tư.
Gia tăng các loại giá do nhà nước điều tiết
Tuy nhiên, mức tăng trưởng kinh tế cao cùng với sự gia tăng các loại giá cả do nhà nước điều tiết và giá dầu trên thị trường thế giới đã làm tăng lạm phát. Lạm phát chung tính đến tháng 6 năm 2018 tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Dưới tác động tăng của một số mức phí do nhà nước quản lý, giá dịch vụ y tế tăng 16,7% trong 6 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, học phí của khu vực giáo dục công lập tăng 6,8%, chi phí vận tải tăng 9,7% chủ yếu do tăng giá xăng dầu.
Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn dễ bị ảnh hưởng bởi những thách thức trong và ngoài nước. "Việc tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế lớn như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến tổng cầu thương mại trên thế giới, làm giảm cơ hội xuất khẩu của Việt Nam", ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, cho biết.
Bên cạnh dó, nguy cơ mâu thuẫn thương mại leo thang trên toàn thế giới đe dọa phá vỡ chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu mà Việt Nam đang hội nhập rất sâu, cũng như ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Theo ông Cường, dù có chiến tranh thương mại hay không, nếu muốn đạt được những thành tựu đáng kể trong thời gian tới thì Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để tăng tính cạnh tranh với các quốc gia khác, đồng thời tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu (như Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN…) và phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng logistics.