Sáng 3/8 tại tỉnh Hòa Bình, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đã triển khai Tổng kết chương trình xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi phía Bắc và định hướng giai đoạn sau năm 2020.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp trong khuôn khổ hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia chủ trì hội nghị.

Vượt qua muôn vàn khó khăn

Tất cả các địa phương trong vùng đều cho biết xuất phát điểm của các tỉnh rất thấp khi bắt đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến cho biết năm 2010, có tới 60% tổng số xã của tỉnh đạt dưới 5 tiêu chí trong tổng số 19 tiêu chí để đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân số tiêu chí/xã chỉ là 1,4.

Ngay cả xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là 1 trong 11 xã điểm trên cả nước do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ngay từ đầu nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn và tới cuối giai đoạn 2011 - 2015, Thanh Chăn mới đạt xã nông thôn mới.

Khá hơn Điện Biên nhưng nhiều tỉnh khác trong vùng cũng gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai xây dựng nông thôn mới, nhất là đầu tư vào hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật.

Trước thực tiễn đó, căn cứ vào chủ trương, cơ chế chính sách do Trung ương ban hành,các tỉnh đã vận dụng sáng tạo và ban hành các cơ chế đặc thù hỗ trợ các địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới, cụ thể như cơ chế hỗ trợ Quỹ phát triển cộng đồng của tỉnh Hà Giang; cơ chế hỗ trợ xi măng để phát triển hạ tầng nông thôn (Tuyên Quang, Bắc Giang…); cơ chế hỗ trợ đội văn nghệ thôn, bản (Sơn La).

Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt một số đề án xây dựng nông thôn mới vùng đặc thù, 3 tỉnh (Điện Biên, Lào Cai, Bắc Kạn) đã xác định rõ được định hướng và giải pháp xây dựng nông thôn mới ở những địa bàn khó khăn; chủ động ban hành kế hoạch và chỉ đạo các huyện, xã huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình dự án (chương trình giảm nghèo bền vững, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chính sách hỗ trợ của địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới…) để giúp các xã trong vùng đề án sớm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

Trên cơ sở cơ chế chính sách đặc thù và sự vào cuộc mạnh mẽ, một số tỉnh đã đạt được kết quả khá rõ nét, góp phần đẩy nhanh tiến độ không còn xã dưới 5 tiêu chí (Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn).

Một số địa phương đã sớm ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản (Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên…), làm cơ sở để Bộ NN&PTNT nghiên cứu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ các thôn, bản khó khăn xây dựng nông thôn mới (Quyết định số 1385/QĐ-TTg ngày 21/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ).

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết công tác chỉ đạo của các địa phương đã thay đổi tích cực. Trước đây, việc chỉ đạo chủ yếu tập trung cho đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng thì gần đây đã chuyển sang phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, bảo vệ và cải tạo cảnh quản môi trường, bảo tồn và phát triển văn hóa, phát triển du lịch nông thôn, tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Ảnh: VGP/Thành Chung

Đến hết tháng 6/2019, khu vực miền núi phía Bắc đã có 603/2.280 xã (26,45%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 18,34% so với cuối năm 2015, mức độ tăng thấp hơn so với bình quân cả nước là 32,79%), thấp hơn so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,26%). Dự kiến đến hết năm 2019, số xã nông thôn mới có khả năng đạt 28%, hoàn thành sớm hơn 1 năm so mục tiêu được giao tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Bình quân tiêu chí/xã đạt 12,28 tiêu chí (tăng 8,32 tiêu chí so với năm 2011 và tăng 2,9 tiêu chí so với năm 2015), không còn xã nào trong vùng có dưới 5 tiêu chí.

Các vấn đề nông thôn mới miền núi dựa trên kết quả sắp xếp lại dân cư

Tận mắt chứng kiến những thay đổi tích cực ở các địa phương trong vùng, nhất là sản xuất nông nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu điển hình là tỉnh Sơn La đã nhanh chóng vươn lên trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu trái cây của miền núi phía bắc.

“Nhiều loại quả chưa từng được trồng ở Sơn La nhưng nhờ phát triển các mô hình liên kết sản xuất và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật mà nhãn, vú sữa, na hoàng hậu, thanh long ruột đỏ, chanh leo tím, xoài… đã trở thành đặc sản của Sơn La, xuất khẩu ra nước ngoài, gia tăng thu nhập cho người dân nông thôn”, Trưởng Ban chỉ đạo Vương Đình Huệ vui mừng nói.

Còn với cách làm mới của khu vực miền núi là không tập trung xây dựng xã nông thôn mới mà đi vào xây dựng thôn, bản nông thôn mới để sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, nhanh chóng cải thiện đời sống người dân, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: “Sức sáng tạo của nhân dân là vô cùng quan trọng khi triển khai chính sách và các cấp, ngành phải căn cứ thực tiễn cuộc sống, hòa mình với đời sống nhân dân để đánh giá cách làm hay, nhân rộng trên địa bàn mình và nhân rộng ra cả nước”.

Phó Thủ tướng cũng nhắc lại những tư tưởng quan trọng của Nghị quyết 26/NQ-TƯ của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn cần quán triệt trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia là: Tam nông là “chiến lược”, xây dựng nông thôn mới là “căn bản”, phát triển hiện đại hoá toàn diện nông nghiệp là “then chốt” và vai trò của nông dân là “chủ thể”.

Từ vùng khó khăn như miền núi phía Bắc nhưng sẽ thực hiện vượt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về số xã đạt chuẩn nông thôn mới và với nhiều mô hình thành công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ: “Miền núi làm được thì không có lý do gì các vùng khác lại không thể làm tốt hơn nữa vì mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống người dân nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn, thành thị, miền ngược, miền xuôi”.

Đối với miền núi phía Bắc, vùng phên dậu của Tổ quốc, là cái nôi của cách mạng nên những kết quả đạt được từ chương trình xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa chiến lược, quan trọng.

Sau hội nghị này, Trưởng Ban chỉ đạo giao Bộ NN&PTNT đánh giá kỹ hơn việc triển khai Bộ tiêu chí nông thôn mới hiện nay theo tinh thần nghiên cứu các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu cấp thôn - bản, cấp xã, huyện, phân cấp mạnh hơn cho các tỉnh, huyện trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tạo tiền đề triển khai ngay khi bước vào giai đoạn mới.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngoài cấp xã huyện, tới đây phải đặt trọng tâm vào nông thôn mới cấp thôn, bản; tính toán điều chỉnh về kinh phí, về tiêu chí, về kết cấu hạ tầng giao thông và tiêu chí thu nhập của các tỉnh trong vùng, làm cơ sở xây dựng chỉ tiêu cụ thể đối với vùng trong giai đoạn tới.

“Suy cho cùng, nông thôn mới có mục tiêu là sinh kế và đời sống người dân nên phải gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các công trình bảo đảm phát triển bền vững, y tế, nước sạch, nhà ở, văn hóa, giáo dục, vệ sinh môi trường,... phải được thực hiện trên cơ sở sắp xếp lại dân cư, tập trung phát triển các đề án về sinh kế”, Phó Thủ tướng nêu quan điểm và cho rằng hiệu quả của công tác chỉ đạo, lãnh đạo xây dựng nông thôn mới cần là thước đo hiệu quả hoạt động và sự ủng hộ của người dân với chính quyền.

Về nguồn lực đầu tư cho chương trình, Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh đánh giá kỹ hơn về chính sách để lại 8% tiền đấu giá sử dụng đất cấp xã để chi trả nợ đọng xây dựng cơ bản cũng như cơ cấu nguồn vốn đóng góp cho chương trình để tăng cường huy động nguồn lực của cộng đồng ở trong nước và nước ngoài.

Nhấn mạnh việc các địa phương cần tránh tâm lý thỏa mãn, Phó Thủ tướng yêu cầu tiêp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực thi chính sách nói chung, vừa bảo đảm phát triển sản xuất, tăng cường cơ sở hạ tầng, vừa giữa gìn được nét văn hoá đặc trưng của vùng miền./.