“Vũ Man tạp lục thư”, hay những ghi chép công cuộc đánh dẹp người man, có thể được xem là tài liệu đầu tiên viết về dân tộc thiểu số một cách có hệ thống.
Tấm ảnh ghi lại cảnh người Thượng mổ trâu của Baudesson lấy từ Tạp chí Le Tour du Monde, 1909 trên bìa sách. Ảnh: Omega Plus
Cuốn sách do Ôn Khê Nguyễn Tấn (1822 – 1871) viết vào những năm ông giữ chức vụ Tĩnh Man Tiễu phủ sứ lo việc bình định vùng người Thượng ở Quảng Ngãi.
Tập sách được in và phát hành vào năm Thành Thái thứ mười (1898), do người con của ông là Diên Lộc Quận công Nguyễn Thân (1853-1914), Phụ chánh đại thần, hiệu đính lại và giao cho Quốc sử quán triều Nguyễn phụ trách việc in và phát hành.
Năm 1998, cuốn sách “Lịch sử vùng cao qua Vũ Man tạp lục thư” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Cung được nhà xuất bản Nhật-Lệ tại Hoa Kỳ ấn hành để đánh dấu 100 năm bản in bằng chữ Hán có tên “Ôn Khê Vũ Man tạp lục” của Nguyễn Tấn.
Tác phẩm “Lịch sử vùng cao qua Vũ Man tạp lục thư” vốn là Tiểu luận Cao học Sử học của Nguyễn Đức Cung đệ trình năm 1974 tại trường Đại học Văn khoa Huế với tiêu đề “Vũ Man tạp lục thư – trình bày, phiên dịch và chú thích – Tiểu luận Cao học Sử học”.
Sau đó, năm 2011, “Lịch sử vùng cao Quảng Ngãi qua Vũ Man tạp lục thư” được nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, ấn hành nhưng không được nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Cung công nhận là sản phẩm của mình vì nhiều lý do - theo đại diện của Omega Plus, đơn vị vừa tái bản cuốn sách.
Cuốn sách do Omega Plus ấn hành dựa trên bản dịch của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Cung in năm 1998 với tựa “Vũ Man tạp lục thư”, trong đó hệ thống cước chú đã được cấu trúc lại cho dễ đọc và khoa học hơn.
Trong “Vũ Man tạp lục thư”, Nguyễn Tấn đã ghi chép rất chi tiết về vùng thượng du các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên với đầy đủ tên các núi non, sông suối, khe nguồn, những tục lệ của người miền thượng, những ngôn ngữ, phong tục, tập quán khác xa người Việt.
Cùng với đó, các sách lược đánh dẹp, phương cách phòng ngự, sự xây dựng và cải tổ dần dần qua các triều đại, sự tích đánh dẹp của các vị danh tướng đã từng trấn giữ vùng đất này… cũng được tác giả ghi chép tỉ mỉ .
Cách đây hơn một thế kỷ, cuốn sách từng được dịch sang tiếng Pháp và lược dịch trong một vài tài liệu khác nhưng đa phần nội dung chứa nhiều sai lạc. Chính Nguyễn Đức Cung đã nhìn thấy những chỗ bất toàn đó và nêu rõ trong Tiểu luận Cao học Sử học năm 1974 của mình.
Bản do Nguyễn Đức Cung sưu tầm, khảo cứu, phiên âm và chú giải là bản dịch hoàn chỉnh nhất của cuốn "Vũ Man tạp lục thư", đồng thời còn sửa chữa bổ sung những khiếm khuyết của các bản dịch trước đó. Cuốn sách cũng không chỉ dịch nội dung “Vũ Man tạp lục thư” của Nguyễn Tấn mà còn có phần khảo cứu của Nguyễn Đức Cung để giúp người đọc có cái nhìn bao quát hơn về người Thượng vùng Quảng Ngãi, đồng thời in kèm phần chữ Hán để bạn đọc tiện đối chiếu.
Về tập sách, năm 1904, Tạp chí Đông Dương - Revue Indochinoise viết: “Chúng tôi tin rằng
những ghi chép của Tiễu phủ sứ sẽ mở ra những chân trời mới cho độc giả
thông qua việc chứng minh quan lại hiểu rõ vai trò của họ như thế nào,
tiến hành những phương pháp gì và đầu óc bận tâm đến tiểu tiết ra sao.”
Theo học giả Cao Xuân Dục, “Tập sách này cũng dùng để bổ túc cho các sách sử trước đây chưa đầy đủ, soi rõ thêm các điều chưa tường tận.”
Nhận xét của Linh mục Nguyễn Phương, thành viên Hội đồng giám khảo, về luận văn của Nguyễn Đức Cung năm 1974, cũng được trích dẫn trên bìa sách ấn hành lần này: “Tập Vũ man tạp lục thư là cả một công trình nghiên cứu công phu lịch sử người Thượng nói chung, về người Thượng ở Quảng Ngãi, về việc bình người Thượng của triều Nguyễn.”
Được biết, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Cung sinh năm 1944 tại Quảng Bình. Ông là cựu sinh viên Viện Hán học Huế (1959-1962), tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ban Sử Địa (1965), và Cao học Sử học (1974). Ông định cư tại Mỹ từ năm 1991.