Việc huy động nguồn vốn và các nguồn tài trợ khác cho các hoạt động cơ sở ươm tạo, đặc biệt là các cơ sở ươm tạo công nghệ cao vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, cơ sở vật chất của các cơ sở ươm tạo chưa đáp ứng đủ các nhu cầu của doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đó là ý kiến của TS. Nguyễn Hải An - Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM - tại Hội thảo “Hiện trạng và một số giải pháp phát triển bền vững các cơ sở ươm tạo tại Việt Nam” do Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM tổ chức ngày 7/9 tại TPHCM.
TS. An cho biết, nguồn tài trợ cho các cơ sở ươm tạo hiện nay chủ yếu từ ngân sách nhà nước, tập trung vào mặt bằng và cơ sở nhà xưởng. Đây là điểm khác biệt của Việt Nam với các nước, nhất là Trung Quốc - nơi trong giai đoạn 10 năm đầu phát triển, các cơ sở ươm tạo nhận được sự hỗ trợ toàn diện của Chính phủ, để đảm bảo sự phát triển bền vững, tránh tình trạng tự phát. Đối với các nguồn tài trợ khác cũng còn hạn chế.
Điều này chủ yếu do khung pháp lý chậm được ban hành, các quỹ hỗ trợ trực tiếp đến nay chưa hoạt động,… Hiện nay, đa số các cơ sở ươm tạo tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối các doanh nghiệp với các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước. Trong đó, nguyên nhân đáng kể là những hạn chế của thị trường đầu tư mạo hiểm. Việc thị trường chứng khoán còn kém phát triển cũng hạn chế đầu tư mạo hiểm đối với các doanh nghiệp ươm tạo - theo TS. An.
Ông Lê Thành Nguyên - Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao - cũng cho rằng, các dự án khởi nghiệp rất cần sự tham gia đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động này. Đồng thời, chưa có những cơ chế ưu đãi trong thành lập mới các quỹ đầu tư mạo hiểm và thu hút các quỹ này đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Ông Nguyên cho biết thêm, tại Khu Công nghệ cao TPHCM cũng đang vận động thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm cho lĩnh vực công nghệ cao, nhưng vẫn phải chờ hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan để chính thức ra mắt và vận hành quỹ.
Ngoài ra, nhiều ý kiến tại Hội thảo cũng cho rằng, chưa đủ mạng lưới chuyên gia và dịch vụ chuyên nghiệp nhằm phục vụ công tác ươm tạo; mô hình hoạt động còn trong giai đoạn mày mò, rút kinh nghiệm; chưa có quy định về bản quyền và sở hữu trí tuệ;… là những khó khăn, bất cập mà các cơ sở ươm tạo hiện nay đang gặp phải.
Để thúc đẩy các cơ sở ươm tạo hoạt động có hiệu quả, bền vững, theo ông Lê Thành Nguyên, một trong những hỗ trợ thiết thực nhất, cần có cơ chế ưu tiên cho các dự án khởi nghiệp là giúp cho họ tham gia thực hiện các hợp đồng cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho nhà nước. Đồng thời nên đa dạng hóa các loại quỹ với tính chất, mức độ hỗ trợ khác nhau, đáp ứng phù hợp với nhu cầu của mỗi dự án.
TS.Lê Hải An cũng đề xuất cần huy động, khuyến khích tất cả các nguồn lực trong và ngoài nước để tăng hiệu quả việc thành lập và vận hành các cơ sở ươm tạo. Ngoài ra, các cơ sở ươm tạo nên đặt tại các khu công nghệ cao, công viên khoa học, trường đại học, viện nghiên cứu, nhằm mục đích thúc đẩy phát triển công nghệ, tận dụng nguồn lực tại chỗ...