Lần đầu tiên Tổ chức Fauna & Flora tại Việt Nam sử dụng công nghệ sinh trắc giọng hót để khảo sát, đánh giá lại quần thể Vượn cao vít hay còn gọi vượn mào đen Đông Bắc, tên khoa học là Nomascus nasutus.

Vượn cao vít đực toàn thân màu đen và có chỏm mào trên đỉnh đầu. Ảnh: Fauna & Flora.
Vượn cao vít đực toàn thân màu đen và có chỏm mào trên đỉnh đầu. Ảnh: Fauna & Flora.

Vượn cao vít đứng thứ hai trong danh sách 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Chúng được ghi nhận ở Việt Nam từ năm 1884, và đến năm 1965 có ba tiêu bản được thu thập ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Sau đó, vượn cao vít được coi là tuyệt chủng cho đến khi được Tổ chức Fauna & Flora tái phát hiện vào năm 2002. Theo đó, các nhà khoa học đã phát hiện một quần thể với khoảng 26 cá thể còn tồn tại trong khu rừng nhỏ thuộc hai xã Phong Nậm và Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh. Nhằm bảo tồn loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm, tỉnh Cao Bằng đã thành lập Dự án bảo tồn vượn cao vít, hoạt động từ tháng 3/2004 đến nay và thành lập Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Vượn cao vít từ năm 2007. Ngoài ra, vượn cao vít còn sinh sống ở Vùng rừng liền kề thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia Bang Lượng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Bằng kỹ thuật sinh trắc giọng hót (hay theo dõi và ghi âm tiếng vượn hót), nhóm nghiên cứu có thể xác định chính xác giọng hót của từng cá thể. Được triển khai từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11/2021, kỹ thuật này đã giúp nhóm nghiên cứu phát hiện 74 cá thể vượn cao vít, ít hơn so với phương pháp giám sát bằng ống nhòm và máy ảnh là 120 cá thể.

Công trình của nhóm mới đây đã được đăng trên tạp chí Nature.