Nhà ở xã hội chủ nghĩa, hay các khu tập thể, ở Hà Nội, thường bị mô tả là xuống cấp, cũ nát, xấu xí, nhưng vẫn có những giá trị đáng kể đối với người dân.
Các khu tập thể ở Hà Nội bắt đầu được xây dựng vào khoảng năm 1960 nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhà ở trong khu vực nội đô sau chiến tranh.
“Khu tập thể là quyết tâm của Nhà nước trong việc đảm bảo những điều kiện sống cơ bản, trong đó có nhà ở, cho người dân, dù còn thiếu thốn”, GS. Trịnh Duy Luân, Hội Xã hội học Việt Nam, cho biết tại Hội thảo khoa học Nhân học và thành phố ở Việt Nam.
Cũng tại hội thảo ngày 10/12 do Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức, TS. Nguyễn Vũ Hoàng, Viện Nghiên cứu văn hóa, cho biết: “Từ 1960 đến 1990, Hà Nội xây dựng hơn 40 khu tập thể cho gần 200.000 người”.
Các khu tập thể theo mô hình tiểu khu nhà ở là biến thể của kiến trúc hiện đại Châu Âu từ những năm 1920 - 1930. Kiến trúc này được chuyển giao từ Liên Xô và Triều Tiên, và khi xây dựng ở Việt Nam, các bản thiết kế tiếp tục được điều chỉnh để tập trung vào công năng và tiết kiệm diện tích, và được xây dựng bằng phương pháp công nghiệp bê tông tấm lớn, theo GS. Luân.
Từ các ghi chép và bản vẽ kiến trúcđược lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Văn Huy và TS. Nguyễn Vũ Hoàng đã cho thấy các khu tập thể không chỉ là “chuyển giao công nghệ” hay sao chép hoàn toàn từ các nước xã hội chủ nghĩa khi đó, mà còn mang dấu ấn của các kiến trúc sư Việt Nam. Đó là việc kiến trúc sư Trương Tùng tạo ra khu bếp và khu vệ sinh riêng cho từng căn hộ ở những khu tập thể mà ông thiết kế năm 1989-1969, hay tạo ra các tấm xây dựng có độ bền cao từ xỉ than.
Mặc dù xập xệ, xuống cấp, các khu tập thể này vẫn có những giá trị đáng kể đối với người dân. “Thứ nhất là giá trị sử dụng, để ở, các khu tập thể lớn nhỏ hiện là nơi ở của hàng chục vạn cư dân”, GS. Luân nói. “Thứ hai là giá trị trao đổi, các căn hộ này tạo thành hẳn một phân khúc trong thị trường nhà ở, đủ điều kiện pháp lý để được trao đổi mua bán. Thực tế các căn hộ này giá không thấp, có khi xấp xỉ những căn hộ mới nhưng ở xa trung tâm, thậm chí giá cao với các căn hộ có thể kinh doanh ở tầng 1, mặt phố”.
“Khi mô hình kiến trúc không còn phù hợp, ta có thể cải tạo, nâng cấp nhưng cũng cần thấu hiểu giá trị vật thể, văn hóa trong các cộng đồng tập thể cũ để bảo vệ”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, và là cư dân gần 60 năm ở khu tập thể Trung Tự, chia sẻ ý kiến.
Các chuyên gia tại hội thảo đồng tình với ý kiến của nhà văn kiêm cư dân nhà tập thể lâu năm, cho rằng cần hiểu rõ giá trị của các khu tập thể cả về văn hóa và vật chất trước khi đưa ra các phương án quy hoạch, phá bỏ hay cải tạo. “Vấn đề quan trọng là người dân phải được có tiếng nói và là trung tâm của các quyết định xung quanh khu tập thể”, nghiên cứu sinh Takanari Fujita, Đại học Toronto, Canada, lưu ý.
Ông Fujita cho rằng ngoài giá trị lịch sử và các ký ức liên quan đến mô hình kiến trúc, nhiều khu tập thể ở Hà Nội vẫn là không gian sống tốt cho người dân, và không nhất thiết phải đập đi xây lại.
ThS. Trần Đức Tùng, Viện Nghiên cứu văn hóa, đồng tình và cho rằng cách sống của người dân trong các khu tập thể, cách họ “cơi nới” và thay đổi không gian cho phù hợp với nhu cầu, vốn cũng khác nhau giữa các khu, cần phải được tính đến trước khi đưa các quyết định cải tạo hay phá dỡ.