Phải là nơi đáng sống; hệ thống giao thông đồng bộ; có chiến lược đào tạo, thu hút nhân tài; xây dựng cơ chế, chiến lược phát triển của khu rõ ràng,… là những vấn đề cần quan tâm khi xây dựng khu đô thị sáng tạo (ĐTST) tại TPHCM.
Đây là những ý kiến của các đại biểu trong nước và quốc tế chia sẻ tại Hội thảo “Khu đô thị sáng tạo phía Đông TPHCM: Thảo luận một lộ trình chiến lược”. Hội thảo do Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu quốc tế Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn TPHCM và Viện Konrad Adenauer Stiftung (Cộng hòa liên bang Đức) tổ chức ngày 12/4 tại TPHCM.
Tích hợp ba quận
Ý tưởng xây dựng Khu ĐTST được Bí thư Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đưa ra trong kế hoạch phát triển Thành phố năm 2018. Khu đô thị này dự định sẽ tích hợp quận 9 (Khu Công nghệ cao), quận 2 (Khu đô thị mới với trung tâm tài chính Thủ Thiêm) và quận Thủ Đức (có 12 trường đại học với trên 12.000 tiến sĩ, giảng viên và 70.000 sinh viên).
UBND TPHCM đã giao cho Sở Quy hoạch – Kiến trúc Thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho thành phố lập Ban chỉ đạo để thực hiện việc quy hoạch xây dựng khu ĐTST. UBND Thành phố cũng yêu cầu xây dựng khu ĐTST phải trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo, tài chính, thu hút đầu tư,… sau khi hình thành.
Theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, bản chất của khu ĐTST là nơi có các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra với cường độ, mật độ cao. Thực tiễn thế giới cho thấy, khu ĐTST luôn gắn với các đại học nghiên cứu, đóng vai trò là nguồn cung các nhà cách tân và các doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng, chủ thể của hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Đăng Tuyển, Giám đốc Viện Quy hoạch xây dựng, khẳng định TP.HCM là nơi phù hợp để xây dựng khu ĐTST và nên chọn hướng Đông bởi qua những lần điều chỉnh quy hoạch TP.HCM, hướng Đông luôn là hướng chính yếu. “Thành phố nên quy hoạch xây dựng thêm các khu công viên khoa học, khu nghiên cứu, trung tâm y tế, hỗ trợ khởi nghiệp, công viên du lịch sinh thái kết hợp dược liệu… trong khu ĐTST” – ông Tuyến đề xuất.
Phải là khu đô thị đáng sống
GS. Phan Văn Trường (ĐHQG TP.HCM) cảnh báo những rủi ro khi xây dựng một khu ĐTST với số tiền rất lớn nhưng chỉ thu hút được số ít các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ông nói đã thấy rất nhiều những đô thị hoàn toàn rỗng, không có ai vào, cho cũng không ai ở. Vì vậy, khi xây dựng khu ĐTST nhất định phải tạo được sự sống. Đô thị phải có nhiều người mong muốn đến sống trong đó có mục tiêu kinh tế, gia đình, cuộc sống hạnh phúc,.. Vì vậy, theo GS. Trường, trước khi xây dựng, cần tham khảo, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, người khởi nghiệp. “Giao thông cũng là vấn đề quan trọng cần tính đến đầu tiên trong việc xây dựng khu ĐTST” – GS. Trường nói.
Theo ông Lê Văn Thành (Viện nghiên cứu phát triển TP HCM), khu ĐTST phải đảm bảo sự phát triển bền vững để chất lượng cuộc sống của con người ngày càng được nâng lên mới là điều quan trọng nhất. “ĐTST là nơi con người có thể gặp nhau, tương tác, làm việc thoải mái và quan trọng nhất là được hưởng thụ một môi trường sống tốt, trong lành nhất để thúc đẩy sự sáng tạo” – ông Thành chia sẻ.
Ông John Low, chuyên gia tư vấn chiến lược của Công ty Tư vấn chiến lược Roland Berger (Đức) cũng cho rằng, khu ĐTST phải xây dựng được nguồn cảm hứng cho doanh nghiệp sáng tạo, thông qua không gian làm việc tốt, là nơi đáng sống. “Các khu vực dịch vụ, tiện tích cần phải được tích hợp chung với khu ĐTST” – ông John nhấn mạnh.
Thung lũng silicon của Việt Nam
Ông Thành cho rằng, khu ĐTST phía Đông thành phố hình thành từ sự tích hợp của 3 quận sẽ là nơi có công nghệ cao nhiều nhất, nghiên cứu đại học lớn nhất và có triển vọng khu đô thị tốt nhất thành phố. "Đó là một thung lũng silicon của Việt Nam, nơi cần tập trung nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao” – theo ông Thành. “Tuy đã bổ sung một bộ phận nhân lực chất lượng cao trong những năm gần đây, nhưng cơ bản cơ cấu dân cư chưa thay đổi rõ rêt. Cần phải nâng cao trình độ cho dân cư hiện hữu trong khu ĐTST” – ông Thành nói.
Ngoài ra, một yếu tố không thể thiếu là vốn để thực hiện. Vốn được huy động từ nhiều nguồn lực như ngân sách nhà nước, các thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư, đầu tư nước ngoài,… Muốn làm được điều này, cần có một cơ chế huy động vốn cho thành phố phát triển đột phá.
Theo ông John Low, khi xây dựng khu ĐTST cần có bên liên quan như Chính phủ, đóng vai trò tích cực tạo ra môi trường khởi nghiệp; các doanh nghiệp đủ lớn để ươm mầm các doanh nghiệp khởi nghiệp; các công ty công nghệ lớn để cung cấp nền tảng công nghệ cho các doah nghiệp khởi nghiệp tồn tại và phát triển.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, khu ĐTST hình thành sẽ là hạt nhân để thành phố triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. "Chính quyền TP.HCM cam kết thực hiện đúng vai trò kiến tạo của thành phố, lắng nghe, chuyển ý tưởng của các chuyên gia thành hành động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững, doanh nghiệp vừa và nhỏ là xương sống của kinh tế thành phố” – ông Tuyến nói.