Khởi nghiệp sáng tạo luôn mang tính chu kỳ, ẩn chứa rất nhiều rủi ro, là một trò chơi kinh doanh mà trọng tâm của nó phải là thị trường chứ không phải do Nhà nước quyết định.

Đó là nội dung trao đổi chính tại Hội thảo khoa học “Chính sách thuế, tài chính đặc thù cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia” do Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp cùng Cục Phát triển Thị trường & Doanh nghiệp (Bộ Khoa học Công nghệ) tổ chức vào hôm 27/04/2018 tại Hà Nội.

TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN phát biểu tại hội thảo. Ảnh: KHPT

TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN phát biểu tại hội thảo. Ảnh: KHPT

Trong vai trò thiết kế và thực thi pháp luật, chính phủ có thể tạo ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp, mà cụ thể là thông qua công cụ thuế và chính sách tài chính. Tuy nhiên, một trong những bất cập lớn nhất là hiện nay Việt Nam mới chỉ có Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ban hành năm 2017 và Nghị định 39/2018/NĐ-CP để điều chỉnh, hỗ trợ kê khai kế toán và thuế cho các SME, nhưng vẫn chưa có bất cứ quy định nào dành riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN). Mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp (TNDN) mà các DNKN đang phải chịu cũng ở mức 20% như những doanh nghiệp phổ thông. Ngoài ra, chính sách thuế của chúng ta thiếu hẳn những ưu đãi cho các nhà đầu tư vào DNKN, liên quan đến hoạt động chuyển nhượng vốn, bù lỗ, … từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng kêu gọi và hút vốn vào các DNKN, từ cả trong lẫn ngoài nước. Vì vậy, việc đối thoại để tìm cách tháo gỡ nút thắt về mặt chính sách nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp thực sự là nhiệm vụ cấp thiết.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã cùng trao đổi, đi sâu vào phân tích khung lý thuyết lẫn thực tiễn của hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam, trong đó chú trọng làm rõ những thành công và mặt hạn chế về mặt thực thi chính sách, nhất là cơ chế tài chính. Bên cạnh đó, các đai biểu cũng viện dẫn kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới để làm bài học tham chiếu đối với Việt Nam, từ đó nêu lên những đề xuất đổi mới, hoàn thiện chính sách để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, theo tầm nhìn đến năm 2025.

Chia sẻ tại Hội thảo, chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý: khởi nghiệp sáng tạo luôn mang tính chu kỳ, ẩn chứa rất nhiều rủi ro, và khoảng 95% DNKN thất bại ngay trong 1 – 3 năm đầu. Khởi nghiệp như vậy chính là một trò chơi kinh doanh mà trọng tâm của nó phải là thị trường chứ không phải do Nhà nước quyết định. Vì vậy, bất cứ cơ chế nào được xây dựng, ban hành, bao gồm cả chính sách tài chính, cần thiết phải lấy thị trường làm trung tâm và để thị trường tự đánh giá, định đoạt.

Còn rất nhiều việc cần làm để đạt được mục tiêu này, bao gồm sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý và cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư, … Tuy nhiên, hoạt động đầu tư vào các DNKN cần phải được thực hiện theo phương châm tất cả các bên cùng có lợi (win-win solution). Một số giải pháp mang tính kỹ thuật được các chuyên gia tham gia hội thảo đề xuất như: triển khai những chương trình tín dụng, hỗ trợ lãi suất, thành lập và đưa vào hoạt động các quỹ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp KNST (PGS. TS Phạm Văn Liên, Phó Giám đốc Học viện Tài chính); hay nhấn mạnh trách nhiệm giải trình cùng những quy định, ràng buộc và chế tài cụ thể để quản lý các nguồn quỹ đầu tư, bao gồm cả quỹ tư nhân (TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN), …

Và cuối cùng, các đại biểu cũng không quên lưu ý, xã hội, nhất là những doanh nghiệp lớn, viện nghiên cứu, trường đại học, vườn ươm, và các cá nhân, … cũng nên gánh vác một phần trách nhiệm nâng đỡ cộng đồng khởi nghiệp.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm. Ảnh: KHPT

Các đại biểu chụp hình lưu niệm. Ảnh: KHPT