Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, Việt Nam đã cho thấy một bài học thành công trong chống dịch với nguồn lực còn nhiều hạn chế và được truyền thông quốc tế đánh giá cao. Trong đó, ngành KH&CN đã có đóng góp quan trọng giúp khoanh vùng, rà soát, phát hiện, điều trị… giúp kịp thời ngăn chặn dịch.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy tại họp báo.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy tại họp báothường kỳ Quý III năm 2020 của Bộ KH&CN vào chiều 8/7. Ảnh: Bảo Như.

Những thành quả đó đều “nhờ vào những kết quả nghiên cứu KH&CN được tích lũy trong nhiều năm và đầu tư lâu dài”, theo tổng kết Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy khi nhìn lại nỗ lực của toàn ngành KH&CN trong 6 tháng vừa qua tại cuộc họp báo thường kỳ Quý III năm 2020 của Bộ KH&CN vào chiều 8/7.

Không chỉ có những kết quả là các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN đột xuất do Bộ KH&CN trực tiếp giao cho các đơn vị thực hiện như nghiên cứu phân lập thành công virus SARS-CoV-2, bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19; robot Vibot-1a phục vụ chăm sóc y tế tại các khu cách ly mà rất nhiều các viện, trường, nhà khoa học không trực tiếp thực hiện nhiệm vụ được giao cũng đều nhanh chóng thực hiện các nghiên cứu thiết thực để phòng chống Covid-19. Tiêu biểu như ngoài bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 giao cho Học viện Quân y nghiên cứu phát triển phối hợp với Công ty Việt Á sản xuất thì Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cũng như trường Đại học Bách khoa HN đều tiến hành nghiên cứu và cho kết quả thành công. Đội ngũ các nhà khoa học và công nghệ đã xây dựng, phát triển phần mềm truy vết, theo dõi, thu thập dữ liệu Covid-19 nhanh chóng. Điều đó cho thấy “tinh thần trách nhiệm, sự chủ động tình nguyện và sự chuẩn bị bài bản của giới khoa học”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.

Thứ trưởng cũng nhận định, đây cũng là thời điểm công chúng xã hội nhìn thấy khả năng và hiệu quả đầu tư cho R&D của khu vực tư nhân ở Việt Nam. Chẳng hạn, tập đoàn Vingroup đã tham gia đầu tư cho nghiên cứu phát triển vaccine Covid-19, đầu tư phát triển máy thở xâm nhập và không xâm nhập.

Mặt khác, trong sáu tháng đầu năm, dù có đại dịch nhưng các kết quả nghiên cứu khoa học được đăng ký sáng chế không ngừng tăng lên. Tại cuộc họp, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cũng cho biết, số đơn sáng chế tăng, giải pháp hữu ích của chủ thể đơn người Việt đều tăng lần lượt 9.6%, 16.2%.