Mới đây, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai nhận chuyển giao, làm chủ kỹ thuật phẫu thuật bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp từ các chuyên gia Hoa Kỳ và đã ứng dụng phẫu thuật cho nhiều trường hợp, đặc biệt trong đó có 01 bệnh nhi sinh non bị tim bẩm sinh phức tạp nặng 1,9kg.

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo tổng kết Tiểu dự án “Trao đổi kiến thức và chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp giữa chuyên gia từ Bệnh viện Advocate Children's Hospital, Chicago USA và Viện Tim mạch Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai” ngày 30/9, tại Hà Nội. Tiểu dự án thuộc Hợp phần 1.a – “Khoản tài trợ cho các chuyên gia giỏi nước ngoài về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” thuộc Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ - FIRST” do Ngân hàng Thế giới tài trợ và Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.

Sau khi nhận Tiểu dự án, Viện đã xây dựng, thực hiện khung chương trình chuyển giao kiến thức và kỹ thuật phẫu thuật tim bẩm sinh, đồng thời trao đổi với các chuyên gia của Hoa Kỳ về nội dung chuyển giao kiến thức; đào tạo, huấn luyện và chuyển giao kỹ năng, kinh nghiệm tổ chức theo ekip phẫu thuật bẩm sinh. Viện đã cử 6 cán bộ sang học tập tại Bệnh viện Advocate Children's Hospital, Chicago, Hoa Kỳ đồng thời mời các chuyên gia của Hoa Kỳ hướng dẫn, tập huấn cho các cán bộ của Viện; tổ chức khóa tập huấn thực hành về phẫu thuật tim bẩm sinh phức tạp; trang bị các trang thiết bị hiện đại;…

Đến nay, ekip được tham gia đào tạo đã áp dụng kết quả học tập để phẫu thuật thường quy các bệnh tim bẩm sinh ở người trưởng thành. Đặc biệt, ngay sau khi đi học về ekip đã áp dụng kết quả học tập để phẫu thuật thành công một trường hợp nhi tim bẩm sinh phức tạp nặng 1,9kg.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng – Viện trưởng Viện Tim mạch cho rằng, triển khai tiểu dự án nói trên là cơ hội để các cán bộ của Viện được tăng cường về năng lực chuyên môn, tiếp cận kiến thức mới để có thể hỗ trợ tốt nhất cho các bệnh nhân bệnh tim bẩm sinh. Hiện nay Viện đã có kế hoạch áp dụng các kỹ thuật tiếp nhận được với các đối tượng người lớn và bệnh nhi lớn, sau đó sẽ tập trung vào bệnh nhi nhỏ tuổi hơn và cân nặng thấp hơn, hỗ trợ ngày càng nhiều cho các bệnh nhân.

Việc nâng cao, làm chủ kỹ thuật phẫu thuật bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp ở Việt Nam rất có ý nghĩa trong bối cảnh ước tính mỗi năm có khoảng 30% trẻ mắc bệnh tim mẩm sinh phức tạp (trên tổng số khoảng 16.000 - 20.000 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh ra đời).