Ngày 14/1, website của Viện Khảo cổ học đưa tin, nhóm khai quật di chỉ Gò Dền Rắn, Vườn Chuối, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội đã phát hiện nhiều dấu tích sinh hoạt hằng ngày của con người kéo dài từ thời tiền Đông Sơn đến hậu Đông Sơn.

Một số hiện vật tìm được ở di chỉ khảo cổ học Dền Rắn.
Một số hiện vật tìm được ở di chỉ khảo cổ học Dền Rắn.

Các hiện vật có loại hình khá phong phú, từ công cụ sản xuất (rìu, dao, kim, lưỡi câu…) cho đến vũ khí (mũi lao, dao/giáo) và các hiện vật khác (mũi nhọn, thanh đồng, dây đồng, mảnh tiền đồng...).

Đặc biệt, trong đó có 11 dấu tích lò luyện kim và đây là di tích thứ sáu phát hiện đầy đủ bộ dụng cụ đúc đồng ở thời kỳ này. Đặc biệt, cuộc khai quật đã phát hiện khá nhiều mảnh quặng sunfur nhiều kích thước. Đây là di chỉ đầu tiên tìm thấy quặng nguyên liệu của quá trình luyện kim, mở ra cơ hội để các nhà khảo cổ nghiên cứu sâu về kỹ thuật luyện - đúc kim loại thời Tiền Đông Sơn.

Các kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy ở đây có sự tiếp nối và diễn biến liên tục từ giai đoạn sớm văn hóa Đồng Đậu cho đến giai đoạn muộn văn hóa Gò Mun, cách ngày nay 3.300 - 2.800 năm và giai đoạn xuất hiện mộ táng Đông Sơn và hậu Đông Sơn nằm trong khoảng từ thế kỷ I đến thế kỷ III-IV. Gò Dền Rắn ở thôn Lai Xá, (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội), nằm trong quần thể di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối quý giá, là địa điểm cư trú lâu dài của người Việt cổ, góp phần cung cấp đầy đủ chứng cứ lịch sử về sự có mặt của con người rất sớm ở Hà Nội.