Hội thảo khoa học Smart City 360o lần thứ II do Viện Khoa học và Công nghệ tính toán (ICST) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức ngày 26/7 tại TPHCM đã giới thiệu, thảo luận nhiều giải pháp kết nối, tương tác giữa máy tính - con người và ứng dụng vào các lĩnh vực của đời sống, xã hội.
Cụ thể, với định hướng tìm kiếm giải pháp khả thi trong việc theo dõi và dự báo chất lượng không khí, ICST đã thực hiện đề tài nghiên cứu ứng dụng “Xây dựng hệ thống dự báo không khí TPHCM”, với hướng tiếp cận mới là sử dụng các mô hình quang hóa (CMAQ) kết hợp với mô hình dự báo khí tượng (WRF) để dự báo chất lượng không khí theo thời gian thực ở TPHCM và một số vùng lân cận. Mô hình dự báo được xây dựng tổng hợp từ các số liệu khảo sát môi trường trong 15 khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn phát triển một mô hình tính toán về khí thải phát ra từ các phương tiện giao thông, kết hợp giải thuật nhận dạng và đếm lượng xe trích xuất hình ảnh từ camera giao thông tại một số điểm. GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng - Viện trưởng ICST - cho
biết, đây là phương pháp mới phù hợp với mục tiêu xây dựng bộ dữ
liệu giao thông chi tiết và có mức độ phân bố rộng hơn so với các phương
pháp truyền thống ngoài thực địa, giúp tiết kiệm về mặt chi phí, nhân
lực và thời gian.
Trong khi đó, ông Ngô Văn Toàn – Phó tổng giám đốc Công ty Global CyberSoft Việt Nam - giới thiệu 6 giải pháp IoT đặc thù cho thành phố thông minh ở Việt Nam, đã được kiểm nghiệm thành công qua thực tế triển khai. Đó là giải pháp giao thông thông minh SmartTraffic, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao SmartAgri, an ninh công cộng Public Safety, nền tảng dịch vụ công City Center, giải pháp cho lĩnh vực hàng không Airport, bộ giải pháp bán lẻ FlexBA.
Trong lĩnh vực y tế, báo cáo "Truy xuất thông tin từ dữ liệu hình ảnh y-sinh" của TS.BS. Đoàn Xuân Quang Minh (Broad Institute of MIT & Harvard) là kết quả của việc ứng dụng bộ 3 "máy học, thị giác máy tính và học sâu" vào ngành y - sinh nhằm cung cấp dữ liệu đầu vào, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm những giải pháp tối ưu, toàn diện, hiệu quả, linh hoạt cho việc xác định nhân tế bào trong nhiều nghiên cứu khác nhau. Theo BS. Minh, các thông tin của cơ thể người được thể hiện ở nhân tế bào. Nhưng các nhân tế bào có hình dạng rất phức tạp, khó phân biệt nên những phần mềm y tế hàng đầu hiện nay chưa làm được. Vì vậy, việc đọc và phân tích được các thông tin từ hình dạng của nhân tế bào có ý nghĩa rất lớn trong ngành y sinh.
Giải pháp bộ 3 nói trên cũng cho phép phát hiện tế bào ung thư qua hình chụp với độ chính xác cao, tiết kiệm chi phí và thời gian thực hiện. BS Minh cho biết, để xác định tế bào ung thư máu, các bác sĩ phải sử dụng đến 8 loại marker (chỉ thị). Khi sử dụng công nghệ mới này, nếu bỏ qua 1 marker thì độ chính xác vẫn lên đến 99%. Thậm chí không sử dụng marker nào, hệ thống chỉ đọc hình ảnh đen trắng vẫn cho độ chính xác đạt 89%. Kết quả này giúp các bệnh viện tiết kiệm chi phí, thời gian xác định giảm từ 8 – 10 tiếng xuống còn 5 phút. Khả năng của hệ thống sẽ còn tiếp tục tăng lên theo số lượng hình ảnh được học. Nếu gặp các hình ảnh có chất lượng không tốt, thị giác máy tính có thể tự khôi phục những phần bị mất, bị mờ trên ảnh.
Tại hội thảo, các diễn giả còn cung cấp những thông tin mới nhất về thiết bị cảm biến, điều khiển, điện tử, tin học và viễn thông trong lĩnh vực giao thông để điều hành và quản lý hệ thống giao thông vận tải; đề xuất một khung kiến trúc mạng tích hợp công nghệ Blockchain với các thiết bị thông minh để cung cấp nền tảng truyền thông an toàn trong đô thị thông minh.
Smart City 360o là hoạt động trao đổi học thuật được tổ chức thường niên dành cho các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp trong lĩnh vực công
nghệ thông tin – viễn thông tại TPHCM và trên toàn quốc.