Sáng 27/7/2018, Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị Giao ban KH&CN vùng đồng bằng sông Cửu Long lần thứ XXV tại thành phố Mỹ Tho với sự tham gia của 13 tỉnh, thành phố trong vùng. Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn đồng chủ trì hội nghị.
Theo thông tin từ Hội nghị, trong giai đoạn 2016 - 2018, Bộ KH&CN đã hỗ trợ các địa phương trong vùng triển khai 91 nhiệm vụ KH&CN với tổng kinh phí 1.177, 604 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ NSSNKHCN Trung ương hỗ trợ 600,699 tỷ đồng, phần lớn các nhiệm vụ đều tập trung vào thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng và của địa phương theo chuỗi giá trị về cá tra, tôm, cây dừa… Một số địa phương đã hình thành được các chương trình KH&CN theo lĩnh vực để có sự ưu tiên trong đầu tư, tập trung thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương (lúa chất lượng cao, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, các loại cây ăn quả có múi, xoài cát Hòa Lộc,...), phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với Bộ KH&CN trong quá trình triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia (Chương trình Nông thôn miền núi, Chương trình Đổi mới Công nghệ quốc gia, Chương trình Tây Nam Bộ). Nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Việt-Úc, Tập đoàn Sao Mai, Tập đoàn Lộc trời, Công ty Lương Quới, Công ty Tôm King, Tổng công ty Việt Nam Food,…cùng tham gia thực hiện các nhiệm vụ này để tạo ra nhiều công nghệ, quy trình sản xuất như công nghệ VOC tách chiết tinh dầu dừa không gia nhiệt, công nghệ sản xuất phân bón chất lượng cao 3 trong 1, công nghệ chế biến dầu ăn cao cấp từ mỡ cá tra, công nghệ Teatrapark chế biến, bảo quản nước dừa và sữa dừa, công nghệ sản xuất gạch không nung...
Nhiều nhiệm vụ liên quan đến biến đổi khí hậu, bước đầu đang tập trung vào các tỉnh ven biển, các tỉnh có nguy cơ cao bị ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu cũng được ưu tiên triển khai.
Tuy nhiên, nhiều lợi thế của khu vực ĐBSCL vẫn chưa được phát huy triệt để do nhiều nguyên nhân: vốn đầu tư mô hình ứng dụng KH&CN còn hạn chế, quy mô nhỏ chưa tạo sự chuyển biến lớn trong sản xuất; khó thực hiện công tác liên kết trong sản xuất; mức đầu tư của doanh nghiệp cho nghiên cứu KH&CN chưa tương xứng.
Trước những vấn đề này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng để phát triển đồng bộ hoạt động KH&CN, trách nhiệm của các Sở KH&CN phải không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn để có những tham mưu, tư vấn đúng và trúng các vấn đề cốt lõi trong phát triển KH&CN gắn với địa phương mình.
Với những kiến nghị, đề xuất của các tỉnh với Bộ KH&CN, ngoài những vấn đề được các đơn vị chức năng giải đáp trực tiếp, Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị liên quan thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu những đề xuất và kiến nghị để có thể hỗ trợ các địa phương hiệu quả nhất.
Thông qua các nhiệm vụ được triển khai, các Sở KH&CN trong khu vực ĐBSCL đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù của Vùng như: gạo một bụi U Minh Thượng, hồ tiêu Hà Tiên, xoài Cát Chu Cao Lãnh, sầu riêng Cai Lậy, sả Tân Phú Đông, bưởi da xanh Bến Tre, dừa xiêm xanh Bến Tre, khô mực Sông Đốc – Cà Mau, khô cá thòi lòi Đất Mũi – Cà Mau. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016-2018, số đơn đăng ký SHTT: 6.900; Số văn bằng được cấp chiếm 41%. |
Bài và ảnh: Trung tâm phát triển truyền thông KH&CN, Bộ KH&CN