Hội thảo “Ứng dụng công nghệ nano và vật liệu mới” do Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) tổ chức ngày ngày 31/8 tại TPHCM đã giới thiệu và thảo luận nhiều ý tưởng, thành tựu mới về việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ và vật liệu nano trên thế giới và Việt Nam.
Trong số đó có nghiên cứu chế tạo màng gốm nano để lọc nước của Viện Vật liệu xây dựng, với cấu trúc xốp và khả năng chịu nhiệt, kháng hóa chất và hạn sử dụng lâu dài. Màng được sản xuất bởi α- Al2O3 với nhiệt độ thiêu kết là 1200oC, thời gian lưu trữ nhiệt là 2 giờ và phân bổ xốp nhỏ hơn 10µm. Màng phủ nhôm được gia nhiệt ở 600oC và phủ silica ở nhiệt độ 400oC.
TS Dương Minh Hải đến từ Đại học Quốc gia Singapore giới thiệu nghiên cứu sản xuất Aerogel từ chất thải công nghiệp. Aerogel không chỉ là một trong những vật liệu nhỏ nhất mà còn có độ xốp cao, với khả năng hấp thụ cao và độ dẫn nhiệt thấp. Hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới đang nghiên cứu việc sản xuất các loại Aerogel khác nhau. Theo TS. Dương Minh Hải, Aerogel sinh thái được sản xuất bằng cách sử dụng sợi tái chế thu từ chất thải công nghiệp như giấy, vải, nhựa có khả năng siêu thấm nước, độ đàn hồi cao, dẫn nhiệt thấp. Loại Aerogel này có thể được ứng dụng để sản xuất các sản phẩm cách nhiệt, cách âm, làm sạch dầu tràn, thiết bị y tế, bao bì,...
PGS.TS Nguyễn Thị Hòe - Tập đoàn Sơn KOVA - đã nghiên cứu thành công công nghệ nano từ vỏ trấu để sản xuất ra sơn nano chống cháy. Từ thế hệ sơn chống cháy đầu tiên, đến nay PGS Nguyễn Thị Hòe đã tiếp tục nghiên cứu và cải tiến thành công một số tính năng vượt trội của sơn chống cháy như không tạo khói khi đốt, không chứa chì, thủy ngân và lớp sơn mỏng hơn nhưng khả năng chịu nhiệt cao hơn, có thể lên đến 1300 – 1500oC trong nhiều giờ liền. Ngoài ra, bà Hòe còn nghiên cứu và ứng dụng công nghệ nano vào sản xuất các loại sơn đặc biệt như sơn tự làm sạch, chống gỉ, chống đạn.
Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu cấu trúc nano và phân tử (Đại học Quốc gia TPHCM) thì đang nghiên cứu, phát triển các vật liệu chiều thấp có khả năng lưu trữ và chuyển hóa năng lượng. Các vật liệu nà có thể ứng dụng trong lưu trữ và chuyển đổi năng lượng sạch, pin nhiên liệu, xúc tác không đồng nhất, cảm biến hóa học và y sinh học.
Ngoài ra, tại hội thảo, các diễn giả còn giới thiệu một số nghiên cứu như cảm biến quang tử nano và điện sinh hóa cho chẩn đoán y sinh; Composite của cellulose vi khuẩn gắn nano bạc ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn gây bệnh; Chế tạo dung dịch keo hạt nano bằng phương pháp chiếu xạ tia gamma Cobalt – 60; Vật liệu và công nghệ bán dẫn tiên tiến dành cho phương pháp trị liệu ứng dụng Bionano;…
TS Lê Hoài Quốc – Trưởng ban SHTP - cho biết, công nghệ và vật liệu nano được chọn là một trong bốn lĩnh vực đầu tư trọng điểm của SHTP nói riêng và TPHCM nói chung trong gần hai thập niên qua. “Hội nghị được tổ chức nhằm giới thiệu những thành tựu mới nhất về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, vật liệu nano trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Qua đó, kết nối, hợp tác và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này giữa các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước với doanh nghiệp, để thúc đẩy quá trình thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, phục vụ nhu cầu thị trường”- TS. Quốc chia sẻ.
Trong thời gian qua, Trung tâm Nghiên cứu triển khai SHTP đã nghiên cứu thành công một số sản phẩm vật liệu nano như nanocurumin (sản xuất thực phẩm chức năng), nano bạc, nano vàng kim tự tháp sản xuất các sản phẩm chăm sóc da); viên chống nắng nano, băng dán vết thương từ tế bào gốc nhung hươu và Nanocellulose. Hiện, Trung tâm đang tiếp tục nghiên cứu nano từ hạt tiêu, dó bầu để ứng dụng vào sản xuất thực phẩm chức năng, trà túi lọc,…