Hội nghị KH&CN hạt nhân toàn quốc lần thứ 13, diễn ra từ ngày 7 đến 9/8/2019 tại Hạ Long, Quảng Ninh, đã trở thành một diễn đàn quốc tế với sự tham gia của nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Bao phủ một phạm vi rất rộng từ vật lý lý thuyết đến vật lý hạt nhân và các ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp…, Hội nghị KH&CN hạt nhân toàn quốc lần thứ 13 với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước thuộc các cơ sở nghiên cứu hàng đầu thế giới như viện nghiên cứu hạt nhân Dubna (Nga), Viện Lý Hóa Nhật Bản (RIKEN), Trung tâm hạt nhân châu Âu (CERN)..., Trung tâm nghiên cứu hạt nhân nặng Helmholtz GSI (Đức).

Những vấn đề được bàn thảo tại các phiên toàn thể và các tiểu ban chuyên môn của hội nghị không chỉ hữu ích với những người làm nghiên cứu chuyên sâu mà còn mở ra rất nhiều cơ hội ứng dụng trong đời sống xã hội hiện tại như góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường đất, nước, ứng dụng công nghệ bức xạ, giới thiệu các dược chất phóng xạ mới và các phương phấp điều trị ung thư tiên tiến…, vốn còn chưa được biết đến rộng rãi tại Việt Nam.

Do đó, phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đã nhấn mạnh đến một trong những mục tiêu của hội thảo là góp phần thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử tại Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Đây cũng là mục tiêu phát triển bền vững mà Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thúc đẩy và hỗ trợ trong nhiều năm qua, đặc biệt ở một quốc gia có các tổ chức nghiên cứu và triển khai đầy năng động như Việt Nam, theo nhận xét của TS. Jane Gerado- Abaya, người phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IAEA.