Với trung tâm này, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) chính thức tham gia dự án Vành đai Nghiên cứu và Phát triển AI toàn cầu (Global AI R&D Belt) do tập đoàn công nghệ NAVER của Hàn Quốc khởi xướng.

Lễ ra mắt PTIT – NAVER AI Center (Phòng nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo và Dữ liệu đa phương tiện) đã diễn ra trực tuyến vào sáng 27/5.


Ông Choi In Hyuk - Tổng giám đốc Điều hành Tập đoàn NAVER, gửi lời chúc mừng qua video. Ảnh: NAVER Việt Nam

Từ Hàn Quốc, Tổng giám đốc Điều hành Tập đoàn NAVER - ông Choi In Hyuk - phát biểu: “Lựa chọn hợp tác với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, là một bước đi quan trọng của NAVER trong việc xây dựng Global AI R&D Belt.”

Tập đoàn NAVER cam kết sẽ hỗ trợ tối đa trong việc chia sẻ dữ liệu để các chuyên gia, học viên của Học viện có thể sáng tạo nên các sản phẩm nổi trội và mang tính thực tiễn cao.


Ông Đặng Hoài Bắc – Phó giám đốc PTIT, và bà Đặng Thiếu Ngân – Giám đốc đối ngoại NAVER Việt Nam, bấm nút khai trương. Ảnh: NAVER Việt Nam

Để vận hành Phòng nghiên cứu, PTIT và NAVER đã cử chuyên gia làm đồng Trưởng Lab. Các hoạt động chính của Phòng nghiên cứu gồm: Tổ chức các khoá học cho sinh viên gồm đào tạo về Embedded, IoT, AI, Big Data, Blockchain, Data; trao đổi sinh viên và giảng viên theo sắp xếp của NAVER; chuyển giao và áp dụng các công nghệ, sản phẩm dịch vụ thế mạnh của NAVER; phát triển giáo trình mới và các chương trình đào tạo quốc tế; cấp học bổng cho các sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực AI; tiến hành các dự án đồng nghiên cứu giữa NAVER và PTIT…

Trước khi Phòng nghiên cứu chính thức ra mắt vào sáng nay, các chuyên gia công nghệ của PTIT đã phối hợp với một số trưởng nhóm của NAVER Labs Châu Âu thực hiện 3 dự án nghiên cứu đầu tiên liên quan đến học sâu và mạng neuron.


Không gian làm việc tại PTIT – NAVER AI Center. Ảnh: NAVER Việt Nam

Tập đoàn công nghệ NAVER được mệnh danh là “Google của Hàn Quốc” do sở hữu công cụ tìm kiếm với hơn 42 triệu người sử dụng, chiếm 75% thị phần ở nước này.

Tháng 10/2019, NAVER chính thức triển khai dự án Vành đai Nghiên cứu và Phát triển AI toàn cầu (Global AI R&D Belt) nhằm kết nối các học giả, trường đại học, doanh nghiệp khởi nghiệp và phòng nghiên cứu để trao đổi chuyên môn và hợp tác phát triển công nghệ AI. NAVER kỳ vọng dự án sẽ là đối trọng với những chương trình AI của các “gã khổng lồ” như Google và Amazon của Mỹ hay Alibaba và Baidu của Trung Quốc. Đến cuối năm 2019, NAVER Labs Châu Âu ở Paris - gồm 4 viện nghiên cứu AI do NAVER mua lại từ năm 2017 - đã được hình thành.

Đầu năm 2020, NAVER bắt đầu xúc tiến gặp gỡ các chuyên gia công nghệ và các trường đại học uy tín ở Việt Nam để triển khai dự án tại đây. Qua nhiều cuộc thảo luận, NAVER quyết định chọn ĐH Bách khoa Hà Nội và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông làm đối tác. Việc ký kết hợp tác đã diễn ra vào tháng 7tháng 8/2020.

Sớm hơn PTIT – NAVER AI Center, từ cuối tháng 3/2021, HUST-NAVER AI Center (Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Trí tuệ nhân tạo) ở ĐH Bách khoa Hà Nội đã đi vào hoạt động.