Các học giả và nghệ sĩ của Pháp và Việt Nam, trong đó phần lớn đều từng nghiên cứu và sáng tác về đề tài Điện Biên Phủ, vừa tham gia thuyết trình tại hội thảo "Kể chuyện Điện Biên Phủ" tại Hà nội chiều qua, thứ Năm ngày 02/5/2019.


Các diễn giả tại Hội thảo. Ảnh: 10 Leo

Diễn giả của Hội thảo bao gồm ba vị khách đến từ nước Pháp:

- Ông Pierre Journoud, Giáo sư Lịch sử Trường Đại học Paul-Valéry Montpellier, thành viên Trung tâm Lịch sử châu Á đương đại Trường Đại học Paris I Phanthéon Sorbonne;

- Giáo sư Văn học Laurence Campa (sinh năm 1967), Trường Đại học Sorbonne Nouvelle 3 và Đại học Paris-Nanterre;

- Nhà thơ và tiểu thuyết Marc-Alexandre Oho Bambe (sinh năm 1976).

Tham gia về phía Việt Nam có:

- PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn, Đại học KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, tác giả một cuốn sách về sự hình thành của các thể văn tự sự trong văn học Việt Nam 1900-1945.

- Nữ nhà báo Đào Thanh Huyền, tác giả sách Chuyện những người làm nên lịch sử – Hồi ức Điện Biên Phủ 1954-2009 (NXB Chính trị Quốc gia), sách ảnh Đối mặt với B52 – Hồi ức Hà Nội 1972-2012 (NXB Trẻ);

Thông cáo báo chí của Trung tâm Văn hóa Pháp – l'Espace cho biết:

“Trận chiến huyền thoại đánh dấu sự chấm dứt chiến tranh và sự sụp đổ của đế quốc thực dân Pháp, trận chiến Điện Biên Phủ sau đó dần trở thành đề tài nghiên cứu lịch sử và đặc biệt từ những năm 2000 trở thành đề tài của những hội thảo giữa các nhà sử học Pháp và Việt Nam. Ngày 2 và 3 tháng 5, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, tổ chức một hội thảo quốc tế mới với chủ đề – ‘65 năm trận chiến Điện Biên Phủ: Viễn cảnh quốc tế và trong nước’. Lần đầu tiên, một vị trí quan trọng sẽ dành cho những vấn đề về ký ức, văn hóa, giáo dục và di sản. Bên cạnh đó, Trung tâm Văn hóa Pháp – l’ Escape tổ chức buổi tọa đàm song ngữ Pháp-Việt về vị trí của Điện Biên Phủ trong văn học và thi ca ở cả Pháp và Việt Nam do nhà sử học Pierre Journoud điều phối…”

Như vậy là, mục đích của Hội thảo nhằm “vượt ra ngoài một ‘câu chuyện chiến đấu’ chính trị - quân sự bằng cách tập trung vào các khía cạnh địa phương, quốc tế và ký ức của trận chiến này”. Chính vì vậy mà , các vị khách Pháp đều là những diễn giả đặc biệt:

GS Pierre Journoud, tác giả của cuốn sách De Gaulle et le Vietnam (1945 - 1969): La réconciliation (bản tiếng Việt của tác phẩm này do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội ấn hành, sẽ ra mắt bạn đọc trong vài ngày tới); Parole de Dien Bien Phu: Les survivants tesmoignent (Điện Biên Phủ: Các nhân chứng lên tiếng) và cuốn sách mới nhất là: Dien Bien Phu - La fin d’un mond (Điện Biên Phủ - Nơi tận cùng thế giới) xuất bản tháng 4/2019. GS Journoud còn là tác giả của 17 công trình nghiên cứu và 2 bài báo mà tuyệt đại đa số là về Việt Nam và quan hệ Việt Pháp. Giáo sư cũng thường xuyên tới Việt Nam để nghiên cứu và tham gia các cuộc hội thảo, tọa đàm về các chủ đề lịch sử quan hệ giữa hai nước Việt Pháp.

Trong khi đó, nhà thơ trẻ người Pháp gốc Cameroon Marc-Alexandre Oho Bambe là một nhà Thơ-Nói (poète slameur), tác giả của 7 cuốn sách. Ông từng giành giải thưởng Paul Verlaine của Học viện nước Pháp năm 2015 và được tặng Huân chương Hiệp sĩ Quốc gia năm 2017. Năm 2018 mới đây, ông đã có 2 tác phẩm xuất sắc về Điện Biên Phủ, cái địa danh không rõ cơ duyên nào đã gắn bó với ông, một người sinh hàng chục năm sau trận chiến, tại một nơi cách xa vạn dặm. Đó là cuốn tiểu thuyết Điện Biên Phủ (Sabine Wespieser, 2018), một câu chuyện về tình yêu và tình bạn trong bối cảnh Việt Nam, một cuộc tìm kiếm chính mình - sách ngay lập tức đoạt giải Louis Guilloux cùng năm; và chương trình thơ Dién Bién Phû, Le Récital được đưa lên nhiều sân khấu trên toàn thế giới.

Là sử gia quen thuộc với vai trò điều phối các chương trình liên quan đến chiến tranh Pháp Việt và đặc biệt là Điện Biên Phủ ở Việt Nam từ 15 năm nay, Pierre Journoud có phần ưu tiên cho lịch sử nhưng ông nói rõ rằng, cấu thành của ký ức luôn gồm ba phần: Nhân chứng, lịch sử và văn chương. Ông nhấn mạnh, văn chương có thể tạo ra những hình ảnh khác với sự thật lịch sử. Ông cũng nói tới cuốn sách mới nhất của mình: Điện Biên Phủ - Nơi tận cùng thế giới.

Vẻ duyên dáng duyên dáng của con người không ngăn Laurence Campa “nổ súng”, (mà có lẽ) làm toát mồ hôi đội phiên dịch và nói thật lòng là chắc nội dung nói của bà phần tiếng Pháp và tiếng Việt khác nhau đáng kể. Campa đã từng sang Việt Nam nhưng nội dung nói của bà vẫn nặng tính học thuật trước một cử tọa phổ thông. Bà cho rằng, văn học Pháp không quan tâm nhiều đến Điện Biên Phủ vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do là người ta muốn quên nó đi… Cuối cùng bà cũng xin lỗi vì đã nói nhanh (!)

Phụ nữ vẫn tiếp tục được ưu tiên, bà Đào Thanh Huyền nói nhiều về nhân tố nhân chứng mà Journoud đã đề cập. Bà nói tới những cảnh diễn lại để trở thành lịch sử chính thức (cắm cờ trên nóc hầm de Castries, áp giải tù binh…) và quá trình gặp gỡ hàng trăm nhân chứng để làm sách Chuyện những người làm nên lịch sử – Hồi ức Điện Biên Phủ 1954-2009; một ký ức không thể quên vì được tiếp xúc với những sự thật của chiến tranh ác liệt… Nhắc tới sự thay đổi về tư duy nhìn nhận lịch sử, bà ví dụ bằng việc lớp trẻ ngày nay có nhu cầu cao hơn những cuốn chuyện tranh như Đường hầm dưới chân đồi A1 (Eliane 2); giờ chúng cần biết nhiều chi tiết hơn: kéo pháo thế nào, xe thồ là gì…


Các diễn giả thích thú với màn đọc slam của một cô gái Việt. Ảnh: 10 Leo

Oho Bambe, người mà cuối năm ngoái, mới bộc lộ trên RFI “tôi đang có dự án sang Việt Nam, đến Hà Nội và Điện Biên Phủ chia sẻ với bạn đọc về cuốn sách này” thì sáng 2/5 đã có mặt tại Hà Nội và vẫn xuýt xoa: Tôi được cả Pháp và Việt Nam cùng mời. Thơ của ông được đọc lên trước tiên, nhưng người slam đoạn thơ này chưa phải là ông mà là một cô gái Việt duyên dáng (có lẽ là sinh viên khoa tiếng Pháp, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội). Sau đó, ông nói tới cơ duyên cho ra đời cuốn tiểu thuyết mang tên Điện Biên Phủ: Một người ông tham chiến, một người bạn Senegal từng là lính bắn tỉa ở Đông Dương… Về cuốn tiểu thuyết này, có thể hình dung rõ nhất qua trả lời phỏng vấn của Oho Bambe trên RFI.

RFI: Trong Điện Biên Phủ, dù không phê phán chiến tranh, hay chính sách thuộc địa của Pháp nhưng qua hành trình nội tâm của những nhân vật trong truyện thí dụ như Alassane Diop người lính Senegal bị điều động sang Đông Dương hay ngay chính Alexandre và cả người lính Việt Nam anh đặt cho cái tên là ‘Ông Chô’ đều phải thốt lên rằng, Điện Biên Phủ không phải là cuộc chiến của họ. Họ là những người lính bị đẩy vào vòng xoáy của bạo tàn. Nhưng trong địa ngục trần gian đó, tình người là chiếc phao cứu họ ra khỏi bùn lầy. Tình người ở đây thể hiện qua tình yêu, qua tình bạn. Điện Biên Phủ là cái cớ để kể về một câu chuyện tình giữa một anh lính và một cô gái bản xứ ? Về một cuộc hôn nhân đã âm thầm đổ vỡ, về nỗi cô đơn, trống trải của mỗi con người?

Marc Alexandre Oho Bambe: Không biết có phải là cái cớ hay không, nhưng điều chắc chắn là từ lâu, tôi đã muốn viết về tình yêu. Tôi đã đưa tình yêu vào thi ca nhưng chưa bao giờ kể một câu chuyện dài, chưa bao giờ thám hiểm nhiều khía cạnh phức tạp của tình yêu, về muôn mặt và muôn vạn sắc màu trong cái tình cảm ấy. Điện Biên Phủ cho phép tôi đi đến tận cùng, đạt đến đích đã vạch ra. Đó là mối tình Alexandre dành cho Mai Lan, một cô gái Bắc Kỳ luôn đồng hành với anh trong tâm tưởng suốt 20 năm sau khi từ giã Điện Biên Phủ. Đấy cũng là tình yêu chân thực nhưng rất cô đơn giữa Alexandre với vợ là Mireille, là chuyện tình của ông Chô và người vợ. Đó là những mối tình trong chiến tranh.”

Là diễn giả cuối cùng, PGS.TS Phạm Xuân Thạch nói tới cuốn tiểu thuyết về Điện Biên Phủ của Trần Dần: Người người lớp lớp, về sự thăng trầm của nó. Ông cũng nhắc tới tầng lớp trí thức Việt Nam tiếp thu văn hóa pháp từ các trường thực dân nhưng là những người chiến đấu giành độc lập…

Kết thúc hội thảo là phần dành cho nhà Thơ-Nói Oho Bambe trình bày trích đoạn trong tác phẩm Dién Bién Phû, Le Récital của ông. Âm điệu đọc và nội dung bài thơ chắc sẽ lưu lại lâu với độc giả.

(Bài viết có tham khảo và trích dẫn từ Thông cáo báo chí của l'Espace và bài phỏng vấn của phóng viên Thanh Hà với Oho Bambe trên RFI tháng Mười 2018 nhan đề “Tiểu thuyết Điện Biên Phủ, tình yêu trong chiến tranh Đông Dương”)