Các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam cho rằng cho rằng mình đủ khả năng làm những dự án khổng lồ thay nhà đầu tư nước ngoài.
Với tổng kinh phí gần 7.500 tỷ đồng và khánh thành vào cuối tháng 12/2018, Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) do tập đoàn SunGroup xây dựng được xem là sân bay đầu tiên ở Việt Nam có gần 100% vốn tư nhân. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group cho biết, điểm khác biệt chính giữa hình thức đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân ở chỗ tư nhân có sự chủ động và linh hoạt cao hơn, do đó có khả năng dễ dàng điều chỉnh dòng vốn, ý tưởng thiết kế, công nghệ áp dụng, phương án thi công… nhằm đẩy nhanh tiến độ và chất lượng sản phẩm.
Sây bay Vân Đồn được xem là ví dụ quan trọng về việc huy động tư nhân đầu tư vào hạ tầng giao thông. Từ vài năm trở lại, không ít tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam nhanh chóng mở rộng đầu tư sang nhiều lĩnh vực liên quan đến nhu cầu công cộng thiết yếu như y tế, giáo dục, giao thông vận tải, viễn thông và môi trường.
Những hành động của các tập đoàn lớn như SunGroup, VinGroup, VietJet, FLC,… cho thấy khu vực tư nhân – hoặc chí ít nhất là những tập đoàn dẫn đầu trong đó – đã sẵn sàng tiềm lực để tham gia vào các lĩnh vực mà từ trước đến giờ Nhà nước luôn kiểm soát.
Khát vọng khẳng định mình là một trong những điểm nhấn mà doanh nghiệp tư nhân nói đến tại Phiên hội thảo Toàn thể, Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019, diễn ra chiều ngày 2/5. Sự kiện có sự tham gia của gần 2,500 doanh nghiệp tư nhân và nhiều lãnh đạo từ các cơ quan chính phủ để đối thoại, hỏi đáp, đưa ra kiến nghị nhằm đưa “kinh tế tư nhân thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”
Đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp tư nhân, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT tập đoàn công nghệ FPT và đồng thời là Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, cho rằng nếu doanh nghiệp tư nhân trong nước được “trao nhiệm vụ lớn” như xây dựng Đường sắt Bắc Nam hay Sân bay Long Thành thì sẽ có thể chỉ mất trên dưới 10 năm thay vì 30 năm như ước tính.
Thay vì để các nhà thầu quốc tế bước chân vào lãnh địa Việt Nam, các doanh nghiệp có năng lực trong nước đã bắt đầu muốn cạnh tranh để giành phần trong miếng bánh lớn. Họ muốn được tham gia trong chuỗi giá trị nội địa ngày càng nhiều, và thậm chí muốn đảm nhận toàn bộ một dự án từ đầu đến cuối.
Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho biết, giao thông là mạch máu của ngành kinh tế nhưng việc đầu tư lại khá tốn kém, Nhà nước không thể đảm nhận được hết, do vậy Chính phủ đang kêu gọi huy động nguồn vốn từ xã hội để nâng cấp hạ tầng giao thông vận tải, trong đó có doanh nghiệp tư nhân. Bộ GTVT cho biết các dự án xây dựng sân bay ở Sapa, Lai Châu, Lào Cai... đã sẵn sàng mời gọi các nhà đầu tư tham gia.
Theo Bộ GTVT, hiện nay các dự án sân bay mà Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ACV (có 95,4% vốn nhà nước) không thể đảm nhận hiệu quả sẽ được chuyển cho tư nhân tham gia. Tư duy ôm đồm này của khối công rõ ràng vẫn đang phổ biến nhưng cơ hội đang dần mở rộng cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Từ mong muốn đến thực hiện
Phương thức hợp tác công tư (PPP) được xem là một trong những giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ lớn, đặc biệt là ở các địa phương có nhu cầu vốn khổng lồ như TP.HCM, Hà Nội. Tuy nhiên việc triển khai PPP đang vấp phải không ít rào cản.
Theo lý thuyết, PPP đòi hỏi sự hợp tác dài hạn trong đó khu vực công và tư cùng chia sẻ không chỉ lợi ích mà cả rủi ro, nhưng hệ thống chính sách và hành lang pháp lý của Việt Nam về PPP vẫn chưa được thống nhất nên việc hợp tác khá dè dặt và thiếu hiệu quả.
Các điều khoản liên quan đến PPP đang được đề cập riêng lẻ ở 17 luật, 63 nghị định và nhiều thông tư, trong đó có một số quy định quan trọng về vốn, hình thức phân bổ rủi ro, hợp đồng,… không nhất quán. Bộ KH&ĐT đã bắt đầu xây dựng Dự thảo luật PPP và kì vọng có thể trình lên Thủ tướng vào tháng 7/2019. Nếu thuận lợi, luật này có thể được Quốc hội thông qua trong năm 2020.
Tính minh bạch và trách nhiệm giải trình là 2 trong số các điều kiện cần thiết để đảm bảo cho một dự án PPP thành công. Nhưng để PPP thực sự được nở rộ và đạt chất lượng tốt ở những dự án quy mô quốc gia thì còn cần phân chia lợi ích tương xứng và phân bổ rủi ro hợp lý giữa hai bên công - tư.
Trước nhiều kiến nghị của khu vực kinh tế tư nhân trong diễn đàn ngày 2/5, đại diện Chính phủ và các Bộ, cơ quan nhà nước bày tỏ cam kết vẫn đang thực hiện rà soát pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh để đảm bảo công bằng, thuận lợi hơn cho tất cả các hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam.