Một nghiên cứu mới của nghiên cứu sinh Nguyễn Ngọc Mỹ và giáo sư Minha Choi ở Trường Kỹ thuật dân dụng, kiến trúc và Hệ thống môi trường, ĐH Sungkyunkwan đã chỉ ra mối tương quan giữa hạn chớp nhoáng và hiện tượng El Niño.

Thừa Thiên-Huế thường xuyên chịu hạn hán do nắng nóng kéo dài. Ảnh: TTXVN
Thừa Thiên-Huế thường xuyên chịu hạn hán do nắng nóng kéo dài. Ảnh: TTXVN

Hạn chớp nhoáng là một hiện tượng thời tiết cực đoan mới được nghiên cứu trên thế giới trong những năm gần đây, có sự ảnh hưởng nặng nề đối với nông nghiệp cũng như xã hội và hệ sinh thái.Do đó, khi hiểu được địa điểm và thời điểm xảy ra hạn chớp nhoáng có thể cải thiện khả năng dự đoán và đề xuất được chiến lược giảm nhẹ tác động của nó với các nền kinh tế dựa vào nông nghiệp.

Hai nhà nghiên cứu đã tìm hiểu tình trạng hạn chớp nhoáng ở Việt Nam, một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, thông qua việc sử dụng tỷ lệ áp lực bốc hơi tiêu chuẩn (SESR), vốn cho biết các sự kiện hạn hán kéo dài trong suốt thời gian nghiên cứu.Kết quả phân tích SESR theo năm cho thấy, hạn chớp nhoáng đã từng xảy ra ở Việt Nam trong hai thập kỷ qua. Nơi phải hứng chịu hạn chớp nhoáng nhiều nhất là khu vực phía Nam với tần suất từ 12 đến 21 đợt, bao phủ trên khoảng 30% đến hơn 50% diện tích, đặc biệt trong mùa khô trở nên trầm trọng hơn do hiện tượng thoát hơi nước bất thường và nhiệt độ.Trong khi đó, các khu vực phía Bắc và phần lớn duyên hải Nam Trung Bộ có ít hơn 9 đợt hạn chớp nhoáng với diện tích bao phủ dưới 20%.

Bên cạnh việc chỉ ra hạn chớp nhoáng ở Việt Nam có mối tương quan với hiện tượng Dao động Nam El Niño, đặc biệt ở các khu vực phía Nam, nơi tần suất hạn chớp nhoáng có thể diễn ra trong điều kiện El Niño hoặc trung tính, nghiên cứu đã bổ sung thêm thông tin về tổng quan hạn hán ở Việt Nam, cơ sở xây dựng các chiến lược giảm thiểu tác động của hạn và chính sách quản lý nước.

Công trình “Delving into flash droughts in Vietnam during the last two decades using the standardized evaporative stress ratio” xuất bản trên tạp chíJournal of Hydrology.