Chỉ có 1% người dân ở Hà Nội và 2,8% người dân ở thành phố Hồ Chí Minh hài lòng với chất lượng không khí ở thành phố, theo kết quả điều tra về cảm nhận của người dân đối với ô nhiễm không khí do Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI) công bố hôm nay.

Phần lớn người dân (76,8% tại Hà Nội và 64,2% tại TPHCM) cho rằng hai thành phố rất cần các biện pháp giải quyết ô nhiễm không khí.

Kết quả khảo sát trên 1.000 người dân tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh từ 14/5/2019 đến 27/8/2019 cũng cho thấy có tới 77% số người tham gia khảo sát ở Hà Nội và 67,2% ở thành phố Hồ Chí Minh cảm nhận chất lượng không khí “càng ngày càng xấu” so với 3 năm trước đây.

Người dân ở 2 thành phố lớn nhất nước cho rằng các thành phố chưa có đủ các biện pháp để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, và cần phải có thêm các biện pháp để cải thiện chất lượng không khí. Tại Hà Nội, 76,8% số người tham gia khảo sát chọn mức “rất cần thiết” và 20,8% chọn mức “cần thiết” thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm không khí. Tại thành phố Hồ Chí Minh, các con số tương đương là 64,2% và 26%.

Hình ảnh giao thông ở Hà Nội. Ảnh: TTXVN.

Đa số người dân cho rằng ô nhiễm không khí chủ yếu gây ra bởi các hoạt động giao thông, đốt rác thải, xây dựng và công nghiệp, trong đó hoạt động giao thông là nguồn ô nhiễm không khí chủ yếu. Có 86,4% số người tham gia khảo sát cho rằng “hoạt động giao thông” là nguyên nhân gây ra suy giảm chất lượng không khí tại Hà Nội. Con số này ở thành phố Hồ Chí Minh là 83,2%. Đáng chú ý nguyên nhân “khí và chất thải từ nhà máy điện than” cũng được một tỷ lệ khá lớn người dân lựa chọn với 64,8% ở Hà Nội và 57,2% ở thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy đây là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của người dân tại hai thành phố.

Tuy nhiên do dữ liệu rải rác và mạng lưới quan trắc mỏng, đến nay Việt Nam chưa thể định lượng chi tiết để biết số lượng nguồn thải, lượng phát thải của từng nguồn. “Việt Nam chưa có đủ dữ liệu cần có để phục vụ cho việc hiểu và quản lý chất lượng không khí”, TS. Hoàng Xuân Cơ, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, nói.

Đại lộ Thăng Long, Hà Nội nhiều đoạn mù mịt bụi, người dân phải bịt kín mít, nín thở khi qua đây. Ảnh: Tuổi trẻ online.

Người dân cảm nhận ô nhiễm không khí tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang thực sự ảnh hưởng đến họ ở các mức độ khác nhau. Ảnh hưởng trực tiếp và dễ nhận thấy nhất của ô nhiễm không khí đối với sức khoẻ là họ cảm thấy mệt mỏi, ngứa, rát mắt/mũi/họng, đau đầu, khó thở và gặp các vấn đề về da. Có 54% người dân ở Hà Nội nhận thấy ô nhiễm không khí ảnh hưởng rất nhiều đến họ, tại thành phố Hồ Chí Minh, con số này là 41,6%.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy người dân đã tự thực hiện một số biện pháp thông thường để bảo vệ bản thân trước tình trạng ô nhiễm không khí như lau chùi nhà cửa, trồng thêm cây xanh quanh nhà, sử dụng khẩu trang, hạn chế hoạt động ngoài trời, sử dụng máy lọc không khí.

TS. Lý Bích Thủy (ở giữa) giới thiệu các thiết bị đo không khí tại viện INEST, đây là một trong số ít các cơ sở ở Hà Nội có thiết bị đo đủ độ chính xác để làm thí nghiệm.

Người dân mong muốn các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu như phát thải trong giao thông, ban hành đạo luật về không khí sạch để có các hành động pháp lý mạnh mẽ hơn chống ô nhiễm không khí, tăng thuế đối với các hoạt động gây ô nhiễm không khí và kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động phát thải của các nhà máy nhiệt điện than.

"Việc cộng đồng quan tâm hơn đến vấn đề ô nhiễm không khí giúp cho họ có thể bảo vệ tốt hơn cho sức khỏe gia đình mình. Ngoài ra đó cũng là sức ép cần thiết khiến nhiều chính phủ phải nhìn nhận tầm quan trọng của vấn đề này và thúc đẩy nghiên cứu ô nhiễm không khí",TS. Lý Bích Thủy, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (INEST), trường Đại học Bách khoa Hà Nội trả lời báo Khoa học & Phát triển trong một cuộc phỏng vấn.

Nói về nghiên cứu ô nhiễm không khí ở Việt Nam, TS. Thủy cho rằng "các công trình vẫn chưa thể đủ về số lượng và thiếu khả năng liên kết để phục vụ hiệu quả nhất cho quá trình xây dựng chính sách".

"Chúng ta không có quá nhiều nhóm nghiên cứu về không khí ở Việt Nam, đặc biệt khi so sánh với các quốc gia xung quanh như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc. Số lượng chuyên gia ô nhiễm không khí người Việt có khoảng vài chục người, bao gồm cả những người thiết kế chính sách, quản lý nhà nước, nghiên cứu viên tại các viện, trường, bộ ngành và tổ chức phi chính phủ liên quan", cô nói thêm.

“Do hệ thống đo lường ô nhiễm không khí ở hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chưa hoàn thiện, nên mức độ ô nhiễm còn gây tranh cãi. Tuy nhiên, báo cáo này phát hiện việc người dân cảm nhận thấy ảnh hưởng tiêu cực của ô nhiễm không khí là rõ ràng", bà Trần Lệ Thuỳ, Thạc sĩ Khoa học Phát triển, Đại học Oxford, Giám đốc Trung tâm MDI (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam VUSTA), nói. “Vì vậy, Trung tâm MDI khuyến nghị cần có các biện pháp phòng chống ô nhiễm không khí quyết liệt, đồng thời người dân cần được biết chính xác mức độ ô nhiễm và nguồn ô nhiễm tại hai thành phố hiện nay đến từ đâu thông qua các nghiên cứu được tiến hành một cách khoa học, minh bạch và độc lập khỏi các nhóm lợi ích vì mục tiêu kinh tế mà gây hại cho môi trường,” bà nói.

Nguồn:

Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI)