Theo khảo sát mới đây của KPMG Việt Nam với khoảng 3.000 CEO các doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có Việt Nam, việc giữ chân nhân lực hiện nay không còn phụ thuộc vào quy mô lớn hay nhỏ của doanh nghiệp mà là môi trường làm có sáng tạo hay không.
Thông tin này được ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, chia sẻ tại buổi tọa đàm về phát triển dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) do Liên minh Xuất khẩu dịch vụ CNTT (VNITO) phối hợp với Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) tổ chức ngày 27/8 tại TPHCM.
Theo ông Ái, các doanh nghiệp nhỏ đưa ra được nhiều giải pháp sáng tạo sẽ thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. Đối thủ của các doanh nghiệp lớn chính là những startup. Nhiều tập đoàn đã có những chương trình hỗ trợ cho các startup và sẵn sàng mua lại họ để phục vụ cho chính doanh nghiệp của mình.
“KPMG Việt Nam từng là địa chỉ mong muốn được vào làm việc của các bạn trẻ, nhưng có thời điểm công ty mất đến 30% nhân sự do môi trường làm việc không đủ hấp dẫn cho các bạn trẻ sáng tạo” – ông Ái chia sẻ và cho biết, các doanh nghiệp hiện nay đầu tư vào công nghệ ngày càng nhiều, thay vì trước đây thường đầu tư vào dịch vụ, sản phẩm mới,… và chủ yếu đầu tư vào sự thay đổi của doanh nghiệp, đặc biệt là đầu tư vào chuyển đổi số.
Cũng theo khảo sát của KPMG Việt Nam, CNTT cũng được đầu tư nhiều hơn vào các bộ phận ngoài CNTT của mỗi doanh nghiệp. “Vì vậy, Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội để phát triển, chỉ là các doanh nghiệp có tận dụng được cơ hội hay không thôi. Doanh nghiệp nào thu hút được nhiều người tài sẽ thành công” – ông Ái nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Quỳnh, Tổng Giám đốc CTCP Hitachi Consulting Việt Nam, cũng cho rằng, muốn phát triển sự sáng tạo của cộng đồng, phải có sự phối hợp giữa “ba nhà”. Đó là nhà nước, để tạo ra những sân chơi, luật lệ nhằm đảm bảo sự tự do và bình đẳng trong việc sáng tạo. Thứ hai là doanh nghiệp, đây là nơi đưa ra những mô hình để khuyến khích sự sáng tạo và biến nó thành những giá trị cho thị trường, xã hội. Thứ ba là nguồn sáng tạo, được xuất phát từ mỗi cá nhân.
“Tuy nhiên, để những ý tưởng mới biến thành hiện thực đòi hỏi phải có nguồn nhân lực có hàm lượng chất xám cao. Đội ngũ này phải được nuôi dưỡng và phát triển từ hệ thống giáo dục” – ông Quỳnh chia sẻ và cho rằng, nếu hệ thống giáo dục hiện nay không thay đổi thì đây là thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng.
Theo ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch TMA Solutions, nguồn nhân lực CNTT hiện đang nhận được sự quan tâm của các bạn trẻ khi điểm đầu vào ngành này ở các trường đại học khá cao so với những năm trước. “Khi cuộc cách mạng 4.0 đang ngày càng phát triển với nhiều công nghệ mới, vượt trội thì các ngành công nghệ có yếu tố sáng tạo, hàm lượng chất xám cao sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh” - ông Lệ nhận định.
Kiều Anh