Hiện nay, nguồn giống nấm bản địa được phân lập từ tự nhiên khá thấp, trong khi phần lớn các cơ sở sản xuất giống chủ yếu bảo quản bằng phương pháp cấy chuyền và trữ trong tủ mát trong thời gian từ 3 – 6 tháng. Điều này dẫn đến tính trạng các giống nấm của Việt Nam rất nhanh bị thoái hóa.
Tại Hội thảo quốc tế “Tiềm năng ứng dụng nấm trong nông nghiệp” do Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM (AHTP) tổ chức ngày 11/6 tại TPHCM, ông Đinh Minh Hiệp – Trưởng ban AHTP, cho biết, khảo sát trên 80 đơn vị sản xuất nấm khu vực miền Nam (từ Đà Nẵng trở vào) do AHTP thực hiện năm 2018 cho thấy, có 29 loại nấm ăn, nấm dược liệu hiện đang được nuôi trồng và thương mại tại các khu khảo sát. Trong đó, sản xuất giống nấm linh chi và nấm bào ngư là chủ yếu, chiếm 77,5%; tiếp đến là nấm mèo (42,5%), nấm rơm (40%). Các giống nấm sản xuất được phân lập từ các sản phẩm thương mại trên thị trường (chiếm 48,5%) và 52,5% được mua từ các đơn vị nghiên cứu. Khảo sát cũng cho thấy nguồn giống bản địa được phân lập từ tự nhiên khá thấp, chỉ chiếm 18,75%; còn lại đa phần đều là các giống nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ông Hiệp cho biết thêm, các giống nấm hiện nay rất nhanh bị thoái hóa do được bảo quản chủ yếu bằng phương pháp cấy chuyền và trữ trong tủ mát, rất ít các đơn vị bảo quản bằng tủ lạnh âm sâu. Bên cạnh đó, do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, việc sản xuất còn thủ công, công nghệ lạc hậu với kinh nghiệm kỹ thuật viên còn yếu nên làm gia tăng tỷ lệ tạp nhiễm trong quá trình sản xuất. Trên 80% giống nấm không có nguồn gốc rõ ràng, đa phần đều nhập khẩu, không phù hợp với điều kiện môi trường Việt Nam, nên sự sinh trưởng và phát triển của nấm không ổn định, khó kiểm soát, dễ nảy sinh dịch bệnh, gây thiệt hại cho người nuôi. “Giống đóng vai trò tiên quyết trong sản xuất nấm, nhưng việc bảo quản và nhu cầu về giống nấm hiện nay ở Việt Nam vẫn đưa được xem xét một cách toàn diện nhằm hướng tới các giải pháo tổng thể trong phát triển ngành nấm” – ông Hiệp nói.
Nấm bào ngư là một trong những loại nấm được nuôi trồng quan trọng nhất trên thế giới bởi giá trị dinh dưỡng và dược liệu của nó. Ở Việt Nam, mặc dù nhiều giống nấm bào ngư được nuôi trồng phổ biến, nhưng hầu hết được nhập khẩu. Các chủng này dễ bị thoái hóa khi nuôi trồng trên quy mô lớn vì chúng khó thích nghi với điều kiện môi trường ở Việt Nam. Để phát triển nuôi trồng nấm bào ngư ở Việt Nam, nhóm các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, Trung tâm Công nghệ sinh học và Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu y tế Domesco Đồng Tháp đã xây dựng được bộ sưu tập các dòng đơn bội của các loài nấm bào ngư Pleurotus spp. Từ đó lai tạo được 9 chủng có năng suất cao, ổn định di truyền và thích nghi với môi trường Việt Nam.
Ông Đinh Minh Hiệp cho biết, các giống nấm có tiềm năng phát triển ở Việt Nam hiện nay như mối đen, chân dài, rượu vang, thượng hoàng, thái dương, đông trùng hạ thảo, bào ngư, linh chi đỏ,… Do nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng nên tùy từng giống nấm được lai tạo cần ưu tiên một số đặc tính như dai, giòn, năng suất cao, chịu nhiệt, chịu lạnh, quả thể đẹp, chắc nặng, hoạt chất cao, kháng bệnh tốt,…
Trong thời gian tới, AHTP tập trung nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn nguồn gene các chủng nấm ăn, nấm dược liệu từ tự nhiên và trong sản xuất. Từ đó, lai tạo, chọn lọc các chủng giống nấm ăn mới cho năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng sản xuất. Đồng thời, nghiên cứu các phương pháp bảo quản bộ chủng giống, xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng cho các giống nấm ăn và nấm dược liệu.
“Trước mắt, chúng tôi tập trung nghiên cứu các giống nấm hương, rơm và bào ngư, sau hướng tới các giống nấm linh chi, trùng thảo” – ông Hiệp nói và mong muốn nhận được sự hợp tác, cùng chia sẻ của các đơn vị nghiên cứu, sản xuất trong việc nghiên cứu, thử nghiệm nuôi trồng các giống nấm ở những vùng khác nhau.