Trong vài thập kỷ gần đây đã có hàng ngàn công trình nghiên cứu về tác dụng dược lý của nấm Vân Chi. Gần đây nhất nấm này còn được phát hiện là có khả năng kiềm chế virus HIV.
Hiện nay các dược phẩm chế xuất từ nấm Vân chi được phát triển đa dạng, được sử dụng rộng rãi trong y học hiên đại, kết hợp với nhiều liệu pháp vật lý, hoá học và sinh học để điều trị nhiều loại bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là chống và kìm hãm ung thư. Chủng giống nấm Vân Chi hiện được bảo quản tại Bảo tàng giống chuẩn vi sinh vật (VTCC) thuộc Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Người đầu tiên sản xuất thành công dưới sự giúp đỡ của chúng tôi là gia đình anh Nguyễn Trường Giang ở thôn Tân Hưng, xã Eakao, thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Anh Giang có thể tự giữ giống và nhân giống. Quy trình sản xuất tương tự như quy trình trồng Mộc nhĩ (Nấm mèo) với nguyên liệu duy nhất là mùn cưa cao su. Năng suất thu được vào khoảng 20-30 tấn /năm, giá bán hiện nay là 500.000 đ/kg. Anh Giang còn nấu thành cao để cung cấp cho Xí nghiệp dược phẩm BV Forma (TP Hồ Chí Minh) để sản xuất ra các viên nén.
Tác dụng dược lý của nấm Vân Chi chủ yếu dựa trên nền tảng là khả năng làm tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể, nhờ hoạt tính của các hợp chất chứa trong nấm. Trên thế giới đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của nấm Vân Chi lên khả năng miễn dịch của cơ thể người và tất cả các công trình đều có kết quả khẳng định tác dụng tăng cường miễn dịch của nấm này.
Theo các kết quả nghiên cứu, trong nấm có chứa các hợp chất polysaccharid liên kết với protein với rất nhiều ưu điểm dược lý và chính các polysaccharid này quyết định tác dụng tăng cường miễn dịch của nấm. Các hợp chất này gồm hai loại chính: PSP (polysaccharide peptide) và PSK (polysaccharide krestin). PSK và PSP có cấu trúc hoá học cũng như các tính chất khá tương đồng. Chúng đều là những hỗn hợp của các chuỗi đường liên kết với một số protein (Q.Y.Yang et al., 1992). Cả hai đều có trọng lượng phân tử khoảng 100 kDa và các chuỗi polypeptid trong phân tử của chúng đều chứa một số lượng lớn các acid amin aspartic và glutamic (Ng.T.B., 1998). Các polysaccharid này có khả năng chống chịu với tác dụng của các enzym thủy phân protein (T.Hotta et al., 1981).
Về tính chất vật lý, PSK và PSP thông thường tồn tại ở dạng bột màu nâu, không mùi vị, tan và bền trong nước nóng nhưng không tan trong các dung môi như methanol, benzen, pyridine, clorofom và hexan (S.Ueno et al., 1980; T.Hotta et al., 1981).
Nấm Vân Chi có tác dụng tăng cường sức đề kháng của cơ thể nên có thể được sử dụng để điều trị rất nhiều loại bệnh. Ở đây xin được trình bày những minh chứng cho hai tác dụng nổi bật và đáng quan tâm nhất của nấm Vân Chi: điều trị ung thư và chống virus HIV.
Ở Nhật Bản, từ năm 1970, PSK từ nấm Vân Chi đã được chứng minh có khả năng kéo dài thời gian sống thêm 5 năm hoặc hơn cho các bệnh nhân ung thư thuộc nhiều thể loại: ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư vòm họng, ung thư thực quản, ung thư phổi và ung thư vú (P.M.Kidd, 2000). Năm 1994, nhà xuất bản Lancet công bố kết quả của một nghiên cứu về một liệu pháp mới kết hợp PSK với các phương pháp hoá học để điều trị ung thư dạ dày. Theo kết quả này, so với điều trị bằng hoá chất đơn thuần, điều trị bằng hóa chất kết hợp với PSK giúp tăng thời gian sống sót của các bệnh nhân thêm 5 năm và không gây ra tác dụng phụ nào.
Còn PSP đã được sử dụng để điều trị ung thư giai đoạn 2 và 3 ở Trung Quốc từ lâu. Polysaccharid này cũng có tác dụng kéo dài thêm thời gian sống ít nhất là 5 năm cho các bệnh nhân ung thư thực quản. PSP cũng có tác dụng cải thiện sức khỏe, giúp giảm đau và tăng cường khả năng miễn dịch từ 70 –97 % các bệnh nhân ung thư dạ dày, thực quản, ung thư phổi, ung thư buồng trứng và cổ tử cung (P.M.Kidd, 2000).
Nghiên cứu do Tsang và cộng sự thực hiện trên 34 bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn tiến triển cho kết quả: sau 28 ngày điều trị bằng PSP, số lượng tế bào máu, hàm lượng các kháng thể của những người được điều trị đều tăng cao hơn so với những người không được điều trị (K.W.Tsang et al., 2003). Đặc biệt ở những người được điều trị, sự tiến triển của bệnh đã chậm lại một cách đáng kể.
Nấm Vân Chi rõ ràng là một loại nấm dược liệu có nhiều đặc tính dược lý ưu việt và rất đáng quan tâm. Tiềm năng sử dụng nấm Vân Chi trong điều trị lâm sàng, đặc biệt với các bệnh hiểm nghèo như ung thư, AIDS là rất lớn và cần được đi sâu khai thác.
Một điều đáng lưu ý là việc nuôi trồng và sản xuất dược liệu từ nấm này không hề tốn kém, rất phù hợp với điều kiện của các nước đang phát triển, trong khi đây lại là một loại nấm có hiệu quả y dược cao. Vì vây, việc phát triển sản xuất dược phẩm từ nấm Vân Chi có ý nghĩa kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng, đồng thời mở ra một hướng đi mới cho các ngành Công nghiệp dược phẩm và Công nghệ sinh học.