Sản phẩm băng vết thương thế hệ mới của dự án hợp tác giữa doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao TPHCM với Trung tâm Nghiên cứu triển khai tại đây sắp được thương mại hóa với giá chỉ bằng nửa giá sản phẩm cùng loại nhập ngoại.
Dự án “Hoàn thiện quy trình tạo vật liệu Nanocellulose kết hợp với chiết xuất nhung hươu định hướng ứng dụng trong quá trình làm lành vết thương” do Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTPLabs) kết hợp với Công ty TNHH Thế Giới Gen thực hiện nhằm tạo thêm các dạng băng vết thương thế hệ mới, khắc phục được những nhược điểm của băng thông thường.
Đây là một trong những dự án khoa học và công nghệ (KH&CN) thí điểm hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm từ công nghệ cao trong hoạt động nghiên cứu triển khai tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) giai đoạn 2017 - 2018.
Tại Hội thảo “Ứng dụng tế bào gốc nhung hươu và nanocellulose sản xuất thương mại hoá băng dán vết thương dạng gel” do Ban Quản lý SHTP phối hợp với Sở KH&CN TPHCM tổ chức ngày 28/6, tại TPHCM, ông Vũ Duy Quang – Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thế Giới Gen, thành viên nhóm nghiên cứu dự án, cho biết, sản phẩm băng dán vết thương dạng gel được tạo ra dựa trên kết các kết quả nghiên cứu sản xuất thử nghiệm việc tách chiết xuất tế bào gốc nhung hươu của Công ty Thế Giới Gen và chế tạo màng nanocellulose do các cán bộ nghiên cứu Phòng công nghệ sinh học của SHTPLabs thực hiện.
Sản phẩm với tên gọi BC-A có hoạt chất chính là dịch chiết tế bào gốc nhung hươu, các hoạt chất phụ trợ như nanocellulose, chitosan và tá dược phối chế gồm glycerin, acid glycolic,… Các tá dược sau khi pha lỏng, được lọc vô trùng và bổ sung chitosan, nanocellulose, dịch chiết tế bào gốc nhung hươu, rồi đóng gói sản phẩm, bảo quản ở nhiệt độ từ 2 - 8oC. BC–A được dùng để điều trị liền vết thương, vết bỏng, đặc biệt là các vết thương mạn tính. “Do nhung hươu có tác dụng đẩy mạnh phục hồi vết thương, giảm lão hóa, có nhiều hợp chất hữu cơ, axit amin, nhân tố tăng trưởng, chữa được nhiều bệnh,... nên chúng tôi đã sử dụng tế bào gốc của loại này để làm ra sản phẩm” – ông Quang chia sẻ.
Theo ông Quang, nguyên tắc để điều trị các vết thương mạn tính là phải điều trị được tình trạng viêm và nhiễm trùng tại chỗ, xung quanh vết thương; loại bỏ các tổ chức hoại tử, yếu tố ngoại lai, làm sạch vết loét; duy trì môi trường ẩm tại vết loét; chăm sóc được bờ vết loét. Tuy nhiên, với những loại băng dán vết thương thông thường hiện nay như băng phủ ngoài, băng thấm hút, bán thấm,… rất khó và thường không xử lý được triệt để những nguyên tắc trên.
Ông Quang cho biết, thử nghiệm lâm sàng cho thấy băng BC–A dạng gel dễ dàng sử dụng cho bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, thích hợp cho mọi loại vết thương, cung cấp được dưỡng ẩm, dưỡng chất cho vết thương, giúp vết thương nhanh lành. “Đặc biệt, BC–A thích hợp trong điều trị các vết thương mạn tính và xóa bỏ được vết sẹo lồi” – ông Quang khẳng định.
Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý SHTP, chia sẻ, kết quả thành công của dự án sản xuất thử nghiệm này đánh dấu bước đầu thành công của mô hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu của doanh nghiệp trong SHTP, với sự hỗ trợ của SHTPLabs. Đây cũng là mô hình mẫu có thể nhân rộng để minh chứng cho thấy việc thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tại SHTP nói riêng là rất cần thiết. “Thông qua mô hình này không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, mà còn thực hiện được mục tiêu các nghiên cứu của SHTPLabs phải thương mại hóa được” – ông Quốc nhấn mạnh.
Hiện sản phẩm BC–A đang được thử nghiệm lâm sàng tại Viện Bỏng Quốc gia, Bệnh viện 105, Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội để điều trị vết thương mạn tính, do bỏng và sau phẫu thuật. Dự kiến, trong tháng 10/2018, sản phẩm sẽ được thương mại hóa với giá thành chỉ bằng ½ giá sản phẩm cùng loại nhập ngoại.