Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2024 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO, Việt Nam xếp thứ 44 trên tổng số 133 nền kinh tế được đánh giá, tăng hai bậc so với năm ngoái.
• Các chỉ số đầu vào, bao gồm: Thể chế, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Trình độ phát triển của thị trường, Trình độ phát triển của doanh nghiệp.
• Các chỉ số đầu ra, bao gồm: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo
Năm 2024, Việt Nam tiếp tục đạt kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo tốt hơn đầu vào. Cụ thể, năm nay Việt Nam xếp thứ 53 về đầu vào đổi mới sáng tạo, tăng bốn bậc so với năm ngoái. Thứ hạng đầu ra cao hơn, xếp thứ 36, tăng bốn bậc so với năm ngoài.
Về tổng thể, Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2024 xếp thứ 44/133 quốc gia, tăng hai bậc so với năm 2023.
Việt Nam vẫn duy trì vị trí Top 3 trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, đứng sau Ấn Độ (thứ 39) và trên Phillippines (thứ 53).
Ngoài ra, có năm quốc gia có thu nhập trung bình cao xếp trên Việt Nam là: Trung Quốc (thứ 11), Malaysia (thứ 33), Thổ Nhĩ Kỳ (thứ 37), Bulgaria (thứ 38), và Thái Lan (thứ 41). Còn lại tất cả các nền kinh tếxếp trên Việt Nam đều có nền công nghiệp phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ tư, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Cải thiện đáng kể
Việt Nam được WIPO ghi nhận là một trong những quốc gia thu nhập trung bình có sự cải thiện thứ hạng nhiều nhất trong thập kỷ qua.
“Quốc gia này luôn có điểm số cao hơn mức thu nhập của mình trong tất cả các trụ cột của GII, thậm chí còn đạt điểm cao hơn cả nhóm nước thu nhập trung bình khá, ngoại trừ ở trụ cột về nguồn nhân lực và nghiên cứu. [...] Nói chung, Việt Nam đang tiến dần đến Top 40 về đổi mới sáng tạo”, báo cáo của WIPO nhận xét.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa nằm trong bất kỳ cụm khoa học và công nghệ hàng đầu nào của thế giới, theo ghi nhận từ WIPO.
Điểm mạnh và điểm yếu
Báo cáo của WIPO phân ra top 10 điểm mạnh và điểm yếu của Việt Nam về đổi mới sáng tạo, dựa trên thứ hạng của chỉ số thành phần.
Về điểm mạnh, năm 2024, Việt Nam có ba chỉ số đứng đầu thế giới (xếp thứ 1), gồm chỉ số Nhập khẩu công nghệ cao, Xuất khẩu công nghệ cao, và Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo - tất cả đều được tính theo tỷ lệ % trên tổng giao dịch thương mại.
Hàng hóa sáng tạo được định nghĩa là những mặt hàng hữu hình hoặc vô hình, có nguồn lực chính là vốn trí tuệ, chẳng hạn như phim, ảnh, phương tiện truyền thông, video game, các dịch vụ sáng tạo online, thiết kế thời trang, thiết kế đồ nội thất, nghệ thuật biểu diễn, báo chí, ấn phẩm, đồ cổ, nhiếp ảnh, hội họa, điêu khắc, hàng thủ công mỹ nghệ v.v
Các chỉ số khác cũng được WIPO đánh giá là điểm mạnh của Việt Nam gồm: Tốc độ tăng năng suất lao động (thứ 3 trên thế giới); Số lượng ứng dụng điện thoại thông minh được tạo ra (thứ 7) và Tỷ lệ phần chi cho nghiên cứu và phát triển do doanh nghiệp trang trải trên tổng chi nghiên cứu và phát triển nội bộ (thứ 9).
Tuy nhiên, cũng có nhiều chỉ số mà Việt Nam đang đứng ở thứ hạng thấp, được WIPO coi là điểm yếu. Chẳng hạn, Việc làm đòi hỏi kiến thức chuyên sâu (thứ 109); Chi tiêu cho giáo dục (thứ 106); Xuất khẩu tri thức, đo bằng biên lai tài sản trí tuệ trên tổng giá trị thương mại (thứ 105); Tỷ lệ doanh nghiệp có khóa đào tạo chính quy (thứ 97); Bằng sáng chế PCT theo quốc gia (thứ 91), Các khoản vay tài chính vi mô (thứ 56).
Cải thiện và thụt lùi
WIPO cung cấp một
công cụ theo dõi đổi mới sáng tạo toàn cầu cho các chỉ số GII. Xét trong ngắn hạn (1 năm), công cụ chỉ ra có sáu chỉ số của Việt Nam đang được cải thiện và năm chỉ số đang xấu đi.
Các chỉ số cải thiện gồm: Đầu tư R&D (+3.8%), Vệ sinh an toàn (+1%), Băng thông cố định (+9.4%), Sử dụng robot (12.7%), Năng suất lao động (+2.3%), Tuổi thọ (+1.3%).
Các chỉ số xấu đi gồm: Công bố khoa học (-5.6%), Số thương vụ đầu tư mạo hiểm (-28%), Giá trị đầu tư mạo hiểm (-1%), Số đơn đăng ký sáng chế quốc tế (-26.9%).
Do vấn đề dữ liệu, các chỉ số có độ cập nhật dữ liệu không đồng đều. Tuy nhiên đa số sự thay đổi đều được xét trong giai đoạn 2021-2022 hoặc 2022 - 2023.
Động lực của đất nước
Trong video phát biểu ghi hình tại Lễ công bố GII 2024 vào ngày 26/9 ở Thụy Sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của đất nước trong quá trình phát triển nhanh, bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau.
"Việt Nam xác định lấy giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, trong đó đổi mới sáng tạo vừa là động lực, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển", Thủ tướng nói.
Bên thềm sự kiện, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nói rằng để duy trì và tiếp tục cải thiện thứ hạng GII một cách bền vững, chúng ta cần tiếp tục chú trọng các yếu tố đầu vào của đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, cần có các đột phá trong cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và ứng dụng các kết quả này vào sản xuất.
GII là bộ công cụ đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, phản ánh mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các quốc gia. Qua đó, các quốc gia thấy được bức tranh tổng thể cũng như các điểm mạnh, điểm yếu của mình.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã sử dụng bộ chỉ số này như một trong các công cụ quản lý điều hành quan trọng và đã phân công các bộ, cơ quan, địa phương cùng có trách nhiệm cải thiện chỉ số. Trong đó, Bộ KH&CN được giao nhiệm vụ đầu mối theo dõi, điều phối chung.
Dựa trên bộ chỉ số GII, Bộ KH&CN đã xây dựng một bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII), bắt đầu áp dụng từ năm 2024.
|