Việc hiểu đúng về bản chất của KH&CN và đảm bảo đầu tư cho KH&CN thật sự hiệu quả trong thực tế là một trong những giải pháp hữu hiệu để thực hiện chính sách thực hành tiết kiệm chống lãng phí các nguồn lực ở Việt Nam.

Tại phiên thảo luận ngày 31/10 của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận xung quanh vấn đề thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Thể hiện mối quan tâm đến hoạt động KH&CN trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nói riêng cũng như vai trò của KH&CN vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhiều đại biểu đã nêu các câu hỏi về những vấn đề liên quan đến hoạt động KH&CN được dư luận xã hội chú ý trong thời gian gần đây: sử dụng nguồn lực đầu tư hiệu quả; những vướng mắc trong quản lý sử dụng quỹ KH&CN trong doanh nghiệp; đo lường sự đóng góp của KH&CN.

PGS.TS Phương Thiện Thương kiểm tra thiết bị nghiên cứu tại Viện Vkist.

Thuộc về những vấn đề xuyên suốt quá trình quản lý của ngành KH&CN, những câu hỏi này chính là cơ hội để những người làm khoa học lý giải một cách thấu đáo và ngọn ngành về bản chất của KH&CN và vì sao phải đầu tư cho hoạt động KH&CN một cách đầy đủ, điều mà lâu nay vẫn thường được gọi là “đến ngưỡng”. Việc thực hiện đầy đủ những điều ấy, đi kèm với việc đảm bảo một môi trường công khai, minh bạch và công bằng, chính là một cách thực hành tiết kiệm và chống lãng phí các nguồn lực hiệu quả nhất.




Cách nào để đo lường hiệu quả đầu tư cho KH&CN?

Trong phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An, đã nêu nỗi băn khoăn của cử tri về chất lượng nghiên cứu khoa học, hiệu quả đầu tư ngân sách Nhà nước cho KH&CN trong bối cảnh, dù “điều kiện ngân sách còn khó khăn, song Nhà nước vẫn luôn quan tâm đầu tư cho KH&CN. Trong giai đoạn 2016-2021, ngân sách nhà nước đã dành 25.000 đến 35.000 tỉ đồng đầu tư cho KH&CN”. Ông cho rằng, báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội tại Bộ KH&CN cho thấy trong giai đoạn 2016-2021, riêng Bộ KH&CN có 86 nhiệm vụ cấp quốc gia đã được xử lý dừng thực hiện trong khi tổng kinh phí ngân sách quốc gia cho giai đoạn này là gần 19.000 tỉ đồng. Do đó, “cử tri kiến nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phê duyệt, cấp kinh phí và triển khai thực hiện tất cả các nhiệm vụ KH&CN bị dừng thực hiện và thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước, nếu có”, ông nói.

Có lẽ, với các nhiệm vụ của ngành KH&CN, thông thường người ta vẫn coi nó giống như nhiều dự án, nhiệm vụ của nhiều ngành nghề khác, theo nghĩa cứ có đầu tư, có kế hoạch triển khai và người thực hiện là ra kết quả. Tuy nhiên, bản chất của KH&CN không phải như vậy. Nghiên cứu khoa học hay phát triển công nghệ đều hướng tới mục tiêu làm ra sản phẩm mới, cái mới, cái chưa có nên tiềm ẩn rủi ro ở những mức độ khác nhau. “Trong nghiên cứu tạo ra công nghệ chỉ rủi ro 30% nhưng khi 30% đó nhân lên về quy mô thì lại là con số rất lớn, còn rủi ro trong nghiên cứu cơ bản cao tới 90% nhưng ở quy mô ‘bình cầu’ nên nếu có rủi ro thì con số nhỏ hơn rất nhiều”, giáo sư Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Lọc hóa dầu Quốc gia, từng trao đổi với báo KH&PT như vậy vào đầu năm nay.

Là một người đầu tư cho công nghệ một cách thực dụng, bắt đầu chủ yếu là giống chanh leo, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Nafoods Group, cho biết, trong cả thập kỷ đầu tư vào R&D thì thành công chỉ quy tụ ở ba giống chanh leo có tính năng kháng sâu bệnh, kháng virus, đã nảy mầm thì “một mầm hay cả triệu mầm cũng đều như nhau”. Tuy không phải là nhà nghiên cứu nhưng ông Hùng cũng thấm thía những rủi ro thất bại trong quá trình làm R&D, điều người ngoài không dễ nhận biết.

Đây là điều xảy ra không riêng ở Việt Nam. Năm 2017, một nghiên cứu đánh giá hiệu quả đầu tư cho khoa học của Ủy ban châu Âu cho thấy những dự án càng tiềm ẩn nhiều rủi ro thất bại lại tạo ra nhiều đột phá khoa học hơn các dự án “thận trọng”, “ăn chắc”.

Do vậy trả lời các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng “Bộ KH&CN cũng rất mong các đại biểu Quốc hội ghi nhận quan điểm về tính đặc thù của hoạt động nghiên cứu KH&CN, đó là không thể nào 100% nhiệm vụ đề tài nghiên cứu khoa học lại có thể thành công cả”. Đồng thời, ông cũng giải thích thêm một cách ngắn gọn, không chỉ với một số dự án mà “ngay cả một hướng nghiên cứu không thành công cũng được xem là có đóng góp vào sự phát triển KH&CN”.

Trước đó, trong buổi làm việc với Tổ công tác Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”, Bộ KH&CN cũng đã báo cáo một cách đầy đủ các vấn đề liên quan đến những dự án nghiên cứu dừng thực hiện. Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cũng cho biết, mục tiêu nghiên cứu càng lớn, càng mang tính đột phá thì rất khó xảy ra khả năng đạt được kết quả ngay từ những thử nghiệm đầu tiên, nhiều trường hợp đã đầu tư một khối lượng lớn nhân lực vật lực nhưng không đem lại kết quả mong muốn. Bên cạnh đó, những vướng mắc trong cơ chế, chính sách hiện tại cũng là một rào cản để tối ưu hóa và đẩy nhanh tốc độ triển khai và sử dụng hiệu quả kinh phí sự nghiệp KH&CN.

Mặt khác, cùng với việc tiềm ẩn rủi ro trong nghiên cứu, KH&CN còn có những vấn đề khác biệt so với những lĩnh vực khác, đó là phải trải qua rất nhiều khâu thì kết quả nghiên cứu mới trở thành sản phẩm hiện hữu trên thị trường và phải có đỗ trễ thời gian mới có thể đánh giá được tác động của nó đối với thị trường và các hoạt động xã hội khác. Do đó, trả lời đề xuất của đại biểu Nguyễn Tuấn Anh “đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu đo lường hiệu quả đầu tư cho KH&CN, từ đó đánh giá đúng mức đóng góp của KH&CN đối với phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia về KH&CN, trước mắt cần bổ sung chỉ tiêu về KH&CN trong phụ lục báo cáo KT-XH hằng năm, sau đó sớm xây dựng chỉ tiêu pháp lệnh để góp phần ngăn chặn thất thoát, lãng phí trong KH&CN”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết “Trong thời gian vừa qua, Bộ KH&CN cũng cố gắng hoàn thành hệ thống chỉ tiêu thống kê để qua đó hình thành đánh giá về kết quả hoạt động KH&CN làm cơ sở đánh giá, hoạch định chính sách phát triển KH&CN từng thời kỳ. Cụ thể, Bộ KH&CN đã hình thành Thông tư số 03 ngày 15/5/2018 về hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành KH&CN và phân công thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia về KH&CN”. Ông cũng nêu khá chi tiết cách tiếp cận này “Có thể đánh giá gián tiếp sự đóng góp của KH&CN, bao gồm: 1, Chỉ số đóng góp của các nhân tố tổng hợp TFP vào tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng năng suất lao động bình quân; tỷ trọng giá trị xuất khấu sản phẩm công nghệ cao trong tổng số xuất khẩu hàng hóa; chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam GII; số lượng vốn được đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; số lượng bài báo công bố quốc tế của Việt Nam; cơ cấu đầu tư cho KH&CN từ ngân sách nhà nước và từ doanh nghiệp; số đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích của người nộp đơn có quốc tịch Việt Nam. Trong giai đoạn 2016-2020 đều có số liệu tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước đó”.

Tháo gỡ điểm nghẽn nguồn lực đầu tư cho KH&CN

Trong bối cảnh nguồn ngân sách còn hạn hẹp thì việc khuyến khích các nguồn lực đầu tư của xã hội là một cách để tăng cường đầu tư cho KH&CN. Đó là một trong những lý do dẫn đến việc hình thành chính sách trích lập quỹ KH&CN tại doanh nghiệp và quỹ KH&CN tại địa phương. Tuy nhiên việc triển khai một hình thức đầu tư mới cũng lắm gian truân. Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đã đặt vấn đề “Qua tiếp xúc, cử tri phản ánh là có dấu hiệu thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực KH&CN. Cụ thể là việc sử dụng Quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc dẫn đến tiền trong Quỹ còn nghẽn là một sự lãng phí rất lớn về nguồn lực của Nhà nước và xã hội. Vấn đề đặt ra tại sao những vướng mắc trong quản lý sử dụng Quỹ tồn tại suốt trong 5 đến 6 năm qua mà vẫn không thể giải quyết triệt để và sẽ còn kéo dài đến khi nào”? Đồng thời, ông cũng chỉ ra việc triển khai hoạt động của quỹ KH&CN tại doanh nghiệp, các cơ quan đã ban hành hai luật, sáu nghị định, ba thông tư có quy định liên quan đến quy nhưng hoạt động còn nhiều vướng mắc, cụ thể là nội dung chi, cơ chế giám sát chi tiêu, quyết toán và chế tài phạt sử dụng nếu sử dụng không hết 70% kinh phí, thực hiện nghĩa vụ thuế…

Có lẽ, câu chuyện quỹ KH&CN tại doanh nghiệp đã nóng lên trong thời gian vừa qua, khi số liệu của Tổng cục Thuế công khai: trong giai đoạn 2015-2021, có tổng số 1281 lượt doanh nghiệp trích lập quỹ với tổng số tiền là hơn 23.000 tỷ đồng, trong đó số sử dụng chỉ chiếm hơn 40%. Giải thích về hiện trạng này, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết “Về việc trích lập và sử dụng quỹ hiện nay có vướng mắc, khó khăn, cụ thể như tỉ lệ trích lập quỹ chưa phù hợp với cơ cấu, quy mô của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có một phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ; gần như không thấy quỹ FDI nào trích lập quỹ. Điều đó cho thấy cơ chế khuyến khích trích lập và sử dụng quỹ chưa phù hợp, chưa hấp dẫn. Hiện nay, quỹ của ta chưa cho phép sử dụng để mua sắm thiết bị, đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh; thủ tục hành chính trong kiểm soát chi của quỹ chưa linh động, chưa phù hợp; hoạt động mua sắm phục vụ nghiên cứu bị KH&CN, sử dụng quỹ theo thủ tục của dự án đầu tư, chưa phù hợp với đặc thù tính mới, tính hiếm, tính kịp thời, tính rủi ro cao của hoạt động KH&CN”.

Vấn đề khơi thông điểm nghẽn trong việc trích lập và sử dụng quỹ KH&CN tại doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào Bộ KH&CN. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ vào tháng 7/2021, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định từng cho rằng nguyên nhân sâu xa của vấn đề, đó là “Một số cơ chế ưu đãi thuế cho đầu tư đổi mới công nghệ còn khó thực thi do chưa có sự đồng bộ trong các quy định pháp luật. Chính sách về mua sắm công chưa tạo động lực khuyến khích cho việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ là kết quả của hoạt động đổi mới, phát triển công nghệ của doanh nghiệp trong nước; còn thiếu các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước cho các doanh nghiệp đưa sản phẩm là kết quả của nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ tiếp cận được với các thị trường tiềm năng”.

Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, Bộ KH&CN đã nỗ lực triển khai một số quy định mới như Thông tư 05/2022 hướng dẫn sử dụng quỹ KH&CN tại doanh nghiệp, trong đó “thông tư đã bãi bỏ các quy định cứng nhắc, không đúng với tinh thần tôn trọng vai trò tự chủ của doanh nghiệp trong hoạt động quyết định định hướng nội dung nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trong việc tổ chức quản lý nhiệm vụ KH&CN tại doanh nghiệp sử dụng quỹ này”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.

Tuy nhiên, một mình Thông tư 05/2022 không đủ sức công phá điểm nghẽn chính sách vốn đòi hỏi rất nhiều đổi mới trong cách tiếp cận cần rất nhiều đổi mới về tư duy. Theo lời Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, “trong giai đoạn tới, Bộ KH&CN sẽ đề xuất với chính phủ giao cho Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT và các bộ ngành trong quá trình nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định trong Luật KH&CN năm 2013, Nghị định số 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN…, đề xuất thêm các giải pháp tăng tính hấp dẫn đối với doanh nghiệp trong việc trích lập và sử dụng quỹ; đồng thời nghiên cứu tham mưu chính phủ về cơ chế đặc thù về mua sắm, đầu tư cho hoạt động KH&CN”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, với bút danh Lê Quyết Thắng, đã viết bốn bài báo đăng trên Báo Cứu Quốc từ ngày 31/5 đến 2/6/1949 “Thế nào là Cần”, “Thế nào là Kiệm”, “Thế nào là Liêm”, “Thế nào là Chính”. Trong bài báo “Thế nào là Kiệm”, Bác Hồ đã lập luận rất sâu sắc: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một hạt gạo, một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù hao bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là Kiệm. Việc đáng tiêu mà không tiêu, là bủn xỉn, dại dột, chứ không phải là Kiệm”.

“Bộ KH&CN đang phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương và tổ chức đánh giá tại một số địa phương nhằm đo lường năng lực đổi mới sáng tạo và kết quả đổi mới sáng tạo địa phương đồng bộ với chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam, qua đó có thể đánh giá được sự tác động giữa các hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo với phát triển kinh tế xã hội của từng vùng từng miền.

Tuy nhiên Bộ KH&CN cũng thấy rằng KH&CN và đổi mới sáng tạo chưa trở thành động lực của phát triển, còn tồn tại những nhiệm vụ KH&CN còn chưa bám sát với yêu cầu của sản xuất và đời sống, các chương trình còn chưa góp phần hình thành các lĩnh vực KH&CN hay ngành mũi nhọn, nhiều kết quả KH&CN từ các đề tài KH&CN còn chậm ứng dụng vào thực tế do các vướng mắc về quản lý tài sản công, hệ thống thông tin thống kê về KH&CN chưa đáp ứng được yêu cầu về tính hệ thống…”

Trích phát biểu của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt tại kỳ họp