Đây là số liệu mà bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra tại Hội thảo về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong thế giới số do Amcham phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ và và Chính phủ Hoa Kỳ tổ chức tại Hà Nội mới đây.

Theo nghiên cứu mà bà Quỳnh công bố tại Hội thảo, thương mại điện tử ở Việt Nam ngày càng được ưa chuộng do giá bán thấp hơn mua hàng truyền thống và hình thức vận chuyển nhanh hơn. Mặt hàng được người Việt Nam mua bán nhiều nhất qua thương mại điện tử là thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ uống. Công cụ mua sắm chủ yếu qua smartphone chiếm tới 52%, doanh số thương mại điện tử Việt Nam vào 2016 đạt 5 tỷ USD, dự kiến tăng lên 10 tỷ USD trong 5 năm nữa.

Tuy Việt Nam trong giai đoạn phát triển thương mại điện tử nhanh nhưng chưa bền vững do vấn đề thanh toán và niềm tin của người tiêu dùng còn thấp, chất lượng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cũng đang có vấn đề.

Sự chênh lệch giữa các vùng miền còn rất lớn, thương mại điện tử chủ yếu diễn ra ở hai thành phố lớn là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Hiện có các trang dẫn đầu về thương mại là Lazada, Shopee, Sendo, Adayroi, Thế giới di động, FPT.

Tuy Việt Nam có khá nhiều nhà cung cấp nhảy vào lĩnh vực thương mại điện tử song có tới 66% người tiêu dùng tham gia thương mại điện tử mua các sản phẩm qua Facebook, đây là con số thống kê vào năm 2016, con số này tăng từ 44% năm 2015. Điều này chứng tỏ Facebook có vai trò hết sức quan trọng trong thương mại điện tử ở Việt Nam.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Như Quỳnh cho hay, thời gian vừa qua Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với một số bộ, ngành khác xử lý một số hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam như: xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (xâm phạm tên nhãn hiệu, tên thương hiệu…), hành vi cạnh trong không lành mạnh liên quan đến tên miền, hành vi quảng cáo các loại hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bà Quỳnh nêu ra những ví dụ cụ thể về hành vi xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa của các trang thương mại điện tử hàng đầu ở Việt Nam. Các loại đồng hồ sang trọng, kính mắt, bút Montblanc, túi xách Hermes, giầy Nike, nếu là hàng thật có giá vài nghìn USD, nhưng được rao bán trên trang thương mại điện tử Sendo.vn với lời quảng cáo hàng SuperFake, hàng Fake 1, Fake 2 với giá chỉ vài trăm nghìn đến hơn 1 triệu đồng. “Người mua có thể đặt hàng nhanh chóng và được giao hàng trong vòng vài chục phút là có sản phẩm ưng ý. Tuy nhiên, rất nhiều các trang thương mại điện tử hàng đầu của Việt Nam rao bán hàng nhái, hàng fake đã vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ”, bà Quỳnh cho biết.

Cũng theo bà Quỳnh, hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên Internet sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 10, điều 11 của Thông tư 11/2015/TT-BKHCN. Theo quy định tại thông tư này, trang web là phương tiện kinh doanh và khi có hành vi quảng cáo hoặc bán hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ bị xử lý như các trường hợp vi phạm khác.

Theo Điều 130, Luật Sở hữu trí tuệ, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền Internet của các doanh nghiệp, các nhãn hàng là hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về tên miền. Trên thực tế, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cũng xử lý hàng chục các website cạnh tranh không lành mạnh về tên miền, các doanh nghiệp bị vi phạmcảm thấy hài lòng với các yêu cầu xử lý vi phạm và kết quả xử lý sau đó.

Trong giai đoạn 2012-2015, có 98,37% các xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được xử lý bởi cơ quan hành chính. Các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử chủ yếu do Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ TT&TT, Cục Thương mại điện tử xử lý.

Cũng theo bà Quỳnh, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng năm sẽ tăng trưởng khoảng 22%. Trong 5 năm tới, quy mô thị trường này tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD. Vì thế, Việt Nam cần có nhiều hơn các chính sách, quy định để bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ một cách có hiệu quả. Và cần phải đẩy mạnh vai trò của tòa án trong xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.