Tốc độ tăng trưởng hằng năm của thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam là 22%. Trong 5 năm tới, quy mô thị trường này có thể đạt 10 tỷ USD.
Với tốc độ phát triển như vậy, cơ quan quản lý nhà nước nhận thấy cần phải có những hình thức mạnh tay với các đối tượng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số.
Vấn đề này đã được thảo luận tại hội thảo Báo cáo đề xuất nhằm cải thiện việc Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ở Việt Nam do Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Văn phòng sáng chế và thương hiệu Hoa Kỳ, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng 12/3 tại Hà Nội.
98,37% vi phạm được xử lý hành chính
Việc xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ở Việt Nam ngày càng phát triển với nhiều hình thức. Theo Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), các hình thức xâm phạm bản quyền ở Việt Nam chia làm 3 nhóm: Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, tên thương mại, tên doanh nghiệp trong môi trường thương mại điện tử; hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền; hành vi quảng cáo hàng hóa xâm phạm bản quyền SHTT.
Bà Nguyễn Như Quỳnh – Phó Chánh thanh tra Bộ KH&CN cho biết, trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015, có 98,37% vi phạm về SHTT được các cơ quan hành chính xử lý. Trong quá trình giải quyết, xử lý vụ việc, bà nhận thấy rằng, các doanh nghiệp vi phạm phần lớn là do nhận thức còn yếu. Vì vậy sau khi được thanh tra thông báo, giải thích rõ ràng về các vi phạm, các bên đều nói họ vi phạm, phần lớn họ đã tuân thủ tốt quy định của pháp luật”.
Bà Quỳnh đã đưa ra một ví dụ cụ thể, năm 2017, cơ quan này nhận được trường hợp khiếu nại liên quan đến việc xâm phạm nhãn hiệu bánh trung thu của khách sạn Hà Nội trên facebook(mạng xã hội). Tuy nhiên, khi thanh tra Bộ trao đổivà giải thích về các sai phạm, facebooker này lập tức gỡ bỏ thông tin.
Các chuyên gia nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường kỹ thuật số. Ảnh: Ngọc Điệp
Một vấn đề cần quan tâm là Thông tư 11 do Bộ KH&CN ban hành ngày 26/6/2015 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều về nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và Thông tư 47 của Bộ Công Thương ban hành ngày 5/12/2014 Quy định về quản lý website thương mại điện tử mới chỉ quy định xử lýcác vi phạm trên website chứ chưa quy định vi phạm trên facebook.
“Do vậy, chúng tôi phải dựa vào định nghĩa phương tiện kinh doanh tại Điều 20 của Thông tư 11 để xếp facebook vào nhóm này. Việc xử lý các xâm phạm bản quyền trên internet đã khó, trên môi trường facebook lại càng khó hơn vì có nhiều hình thức biến thể” – bà Quỳnh nói thêm về các vấn đề mới xuất hiện khi luật pháp chưa cập nhật kịp công nghệ.
Có thể xử lý hình sự không?
Theo bà Phan Cẩm Tú – Hiệp hội điện ảnh Mỹ, kể từ sau khi gia nhập WTO, Việt Nam có nhiều luật bảo vệ bản quyền. Nhưng các quy định này chưa cập nhật hết các đổi mới về công nghệ thời đại kỹ thuật số. Vì vậy, việc xử lý các vấn đề vi phạm bản quyền của cơ quan chức năng trong gặp nhiều lúng túng.
Mới nhất là bộ phim Cô Ba Sài Gòn ngay trong ngày đầu tiên công chiếu đã bị người xem quay lại và phát trực tiếp (livestream) trên mạng internet cho hàng nghìn người xem. Hành vi này ảnh hưởng không nhỏ tới chủ sở hữu quyền. Đáng nói, sự việc đang diễn ra phổ biến hiện nay, với các bộ phim bom tấn được chiếu trong rạp.
Bà Tú đặt câu hỏi: “Hành vi như vậy có thể xử lý bằng luật hình sự Việt Nam hay không thì vẫn đang còn nhiều tranh cãi”. Nhưng một thực tế mà các cơ quan chức năng đang phải đối mặt là việc xử lý hành chính với số tiền phạt không quá thấp, không đủ sức răn đe những bên vi phạm.
“Hội điện ảnh Mỹ đã làm việc với cơ quan nhà nước Việt Nam và đưa ra một số sự việc vi phạm bản quyền. Nhưng đơn vị vi phạm bị xử lý nặng nhất cũng chỉ phải nộp 60 triệu đồng – một con số quá thấp so với lợi nhuận mà website phim này thu được. Vì thế, hình thức này hầu như không có tính răn đe” – bà Phan Cẩm Tú nói thêm.
Một cái khó khác mà cơ quan xử phạt hành chính gặp phải là do đối tượng vi phạm khá tinh vi, rất khótìm được tên tuổi, địa chỉ. Nhiều khi đơn vị xử phạt để địa chỉ, nhưng khi cơ quan hành chính tới nói thì thấy vườn không, nhà trống.
Để khắc phục tình trạng xâm phạm quyền trên môi trường số, nhất là trên facebook, bà Quỳnh cho rằng, “thời gian tới, thanh tra các Bộ, ngành có liên quan, cần ngồi lại để có quy định cụ thể, rõ ràng”. Ngoài ra, để giảm áp lực cho cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp bị vi phạm nên có hành động cảnh báo bên vi phạm. Nếu họ không có hiểu biết thì nên giải thích để họ tuân thủ tốt.
Trong khi đó, theo bà Phan Cẩm Tú, với môi trường bản quyền phim và chương trình truyền hình, trong khi chờ các biện pháp hình sự được triển khai thì Hiệp Hội điện ảnh Mỹ cần phối hợp với một số đối tác trong nước và Đài truyền hình Việt Nam lên danh sách các website vi phạm bản quyền. Sau đó, thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thông báo với các cơ quan, đơn vị có sản phẩm quảng cáo không tiếp tục quảng cáo trên các website vi phạm.
Giải pháp này rất quan trọng vì doanh thu từ quảng cáo là nguồn sống của các website này. Nếu dừng quảng cáo, họ sẽ phải đóng cửa. Ngoài ra, đơn vị này cũng làm việc với đơn vị quản lý tên miền lên phương án và thủ tục gỡ bỏ các website vi phạm. “Khi việc bảo hộ bản quyền trở nên mạnh mẽ hơn sẽ thu hút sự đầu tư của Hollywood vào Việt Nam và tạo động lực cho điện ảnh phát triển” – bà Tú nhấn mạnh.
Thực tế, không riêng điện ảnh, khi chủ sở hữu được bảo hộ về quyền triệt để đều tạo động lực cho sự phát triển của mọi sản phẩm, trong mọi lĩnh vực ở Việt Nam.