Việt Nam là một trong chín nước trên thế giới trồng dừa sáp. Dừa sáp Việt Nam được trồng nhiều nhất ở tỉnh Trà Vinh, với quá trình canh tác và phát triển gần 100 năm.

Cục Sở hữu trí tuệ mới đây đã ban hành Quyết định số 653/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00142 cho quả dừa sáp Trà Vinh. UBND tỉnh Trà Vinh là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Dừa sáp hay còn gọi là dừa đặc ruột (dừa kem) là một phân loài dừa có quả đặc ruột, cơm dừa dày, mềm dẻo và béo hơn trái dừa thường, nước dừa đặc lại, có độ trong như sương sa. Hiện nay, trên thế giới chỉ có 9/93 quốc gia trồng dừa có trồng dừa sáp. Còn ở Việt Nam, dừa sáp được trồng nhiều nhất và nổi tiếng nhất tại tỉnh Trà Vinh với quá trình canh tác và phát triển gần 100 năm. Dừa sáp được trồng tại Trà Vinh từ những năm 1924 ban đầu tại huyện Cầu Kè, sau đó lan rộng ra nhiều huyện thị khác trên địa bàn tỉnh, trở thành loại quả đặc sản độc lạ.

Trà Vinh hội tụ các điều kiện địa lý tạo nên tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm. Đất trồng dừa sáp tại Trà Vinh chủ yếu là đất lập líp (nguồn gốc ban đầu từ nhiều nhóm, loại đất khác nhau: đất mặn, đất phèn, đất phù sa,…). Các lớp đất mặt của đất phèn lập líp hầu như không còn bị ảnh hưởng tầng phèn dưới sâu với hàm lượng sắt trong đất ≤ 30 mg/100g. Diễn biến của xâm nhập mặn làm gia tăng độ mặn trong đất với hàm lượng muối hòa tan cao (có thể lên đến hơn 9‰).

Khu vực địa lý của dừa sáp tại Trà Vinh gồm Thị trấn Cầu Kè và các xã Châu Điền, Phong Phú, Phong Thạnh, Ninh Thới, Hòa Tân, An Phú Tân, Tam Ngãi, Hòa Ân, Thông Hòa, Thạnh Phú thuộc huyện Cầu Kè. Thị trấn Châu Thành và các xã Đa Lộc, Hòa Lợi, Hòa Minh, Hòa Thuận, Hưng Mỹ, Long Hòa, Lương Hòa, Lương Hòa A, Mỹ Chánh, Nguyệt Hóa, Phước Hảo, Song Lộc, Thanh Mỹ thuộc huyện Châu Thành. Thị trấn Càng Long và các xã An Trường, An Trường A, Bình Phú, Đại Phúc, Đại Phước, Đức Mỹ, Huyền Hội, Mỹ Cẩm, Nhị Long, Nhị Long Phú, Phương Thạnh, Tân An, Tân Bình thuộc huyện Càng Long.

D
Dừa sáp là đặc sản độc lạ của tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Internet

Trà Vinh hiện có 750ha dừa sáp, tập trung chủ yếu ở huyện Cầu Kè, trong đó có 70ha được các nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Vùng nguyên liệu này có khả năng cung ứng cho nhu cầu thị trường hơn 2,3 triệu trái sáp/năm. Tỉnh đang có kế hoạch mở rộng diện tích lên 5.000ha theo hướng chọn giống cho tỷ lệ trái sáp cao.

Dừa sáp Trà Vinh được thu hoạch khi trên bề mặt vỏ quả có vết rám nắng và quả dừa đạt độ tuổi 12 tháng (nếu thu hoạch vào mùa khô) hoặc 12,5 tháng (nếu thu hoạch vào mùa mưa).


Giống dừa sáp là giống dừa đột biến từ dừa thường, đã được công nhận theo Quyết định số 4864/QĐ-BNN-TT ngày 24/11/2016 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn.

Có hai loại dừa sáp đang được thương mại, đó là dừa sáp truyền thống và dừa sáp cấy phôi.

Dừa sáp truyền thống được nhân giống bằng cách sử dụng quả dừa không sáp cùng quầy với quả dừa sáp, ươm quả nảy mầm tự nhiên. Trà Vinh là tỉnh duy nhất trồng dừa sáp truyền thống có đủ khả năng thương mại trên thị trường.

Dừa sáp cấy phôi được nhân giống bằng cách sử dụng phôi từ quả dừa sáp, nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy phôi trong hỗn hợp chất dinh dưỡng ngoại sinh (đường, khoáng (NH4+, NO3-, K+, Cl-, Mg2+, Ca2+, Na+, Fe2+), chất điều hòa sinh trưởng.