Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP tại Việt Nam và Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông IPS vừa giới thiệu khung đánh giá toàn diện mức độ sẵn sàng cho AI trong khu vực công tại một buổi tọa đàm ở Hà Nội.

Đây là sự kiện mở đầu cho dự án nghiên cứu đánh giá mức độ sẵn sàng cho AI trong khu vực công tại Việt Nam.

Đánh giá sự sẵn sàng cho AI (AI Readiness Assessment) là dự án do UNDP tạo ra trong nỗ lực thực hiện Chiến lược số 2022-2025 (UNDP Digital Strategy 2022-2025) và thúc đẩy Mục tiêu phát triển bền vững. Khung đánh giá có thể được áp dụng trên phạm vi toàn cầu và điều chỉnh theo các yêu cầu cụ thể của từng quốc gia thực hiện.

 Khách tham dự tại tọa đàm đánh giá mức độ sẵn sàng cho AI của khu vực công tại Việt Nam. Nguồn: BTC
Khách tham dự tọa đàm đánh giá mức độ sẵn sàng cho AI của khu vực công tại Việt Nam, Hà Nội, 15/9/2024. Nguồn: BTC

Về cơ bản, đánh giá này sẽ cung cấp tóm lược về độ sẵn sàng cho AI trong bộ máy nhà nước và toàn xã hội, giúp xác định các yếu tố quan trọng đối với sự phát triển và triển khai AI một cách có đạo đức. Từ đó không chỉ đưa ra khuyến nghị cho các lĩnh vực chính sách, cơ sở hạ tầng, đào tạo kỹ năng v.v mà còn cung cấp kế hoạch hành động cho các cơ quan thuộc chính phủ.

Từ khung đánh giá chuẩn do UNDP cung cấp, IPS sẽ tiến hành khảo sát các cán bộ công chức, cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời phỏng vấn các bên liên quan như chuyên gia về AI, chuyên gia về chính sách, chuyên gia về bối cảnh quốc giá, khối học thuật và cả khu vực tư nhân.

Khung đánh giá gồm ba phần, với tổng cộng 92 câu hỏi.

Trong đó, phần đầu - Nhà nước với tư cách là chủ thể kiến tạo hệ sinh thái AI - xem xét khả năng của Chính phủ trong việc thúc đẩy và định hình sự phát triển của hệ sinh thái AI trên toàn nền kinh tế (25 câu hỏi). Phần hai - Nhà nước với tư cách là chủ thể ứng dụng AI - đánh giá các chiến lược, năng lực và quy trình cần thiết để ứng dụng AI trong bộ máy nhà nước và trong dịch vụ công (41 câu hỏi). Phần cuối - Đạo đức AI - nhìn nhận các chính sách và cơ chế pháp lý nhằm đảm bảo lợi ích về AI được chia sẻ một cách toàn diện, đồng thời bảo vệ các quyền cá nhân khỏi những rủi ro mà AI có thể gây ra ở mọi giai đoạn phát triển và triển khai (26 câu hỏi).

Mỗi phần đều nêu ra những câu hỏi cụ thể, đi sâu vào đánh giá những khía cạnh liên quan như tầm nhìn, công nghệ, nhân lực, dữ liệu, cơ sở hạ tầng, v.v. Chẳng hạn, Chính phủ đã có các cơ chế và cơ quan chuyên trách cho từng vấn đề chưa? Chính phủ hiện đang có những chương trình tài trợ hay ưu đãi cụ thể cho những người tham gia nghiên cứu và phát triển AI hay không? Việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước có đang diễn ra thuận lợi? Có tiêu chuẩn kỹ thuật nào dành cho dữ liệu của khu vực công hay không? Có cơ chế ưu tiên đấu thầu nào đối với việc đặt hàng AI của khu vực công? Hoặc có luật nào bảo đảm quyền hợp pháp để từ chối hoặc phản đối quyết định được đưa ra bởi thuật toán mà khu vực công sử dụng không? v.v

Các câu hỏi sẽ được tính điểm (1 điểm/câu, nhân với trọng số %) để ra được điểm số theo tỷ lệ cho ba trụ cột.

Sau 10-12 tuần thu thập dữ liệu trả lời từ bảng hỏi và các cuộc phỏng vấn, UNDP sẽ công bố báo cáo cuối cùng (dự kiến vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025) nhằm xác định mức độ sẵn sàng cho AI của khu vực công Việt Nam và khuyến nghị các bước tiếp theo.

Hiện tại khung đánh giá này đã và đang được UNDP hỗ trợ triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Thái Lan, Pakistan, Morocco, Somalia, Mauritania,...

Bạn đọc quan tâm có thể thực hiện khảo sát của UNDP tại đây.

Được biết, những năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, chiến lược thúc đẩy ứng dụng AI trong hoạt động của bộ máy nhà nước, nhưng theo báo cáo mới nhất về chỉ số sẵn sàng AI toàn cầu, Việt Nam mới đứng thứ 5/10 trong khu vực ASEAN.