Sau những phát hiện về sự tích tụ của vi nhựa trên sông hồ và một số loài động vật thủy sinh Việt Nam, thêm một bằng chứng về sự tích tụ của vi nhựa trong hệ tiêu hóa nghêu Bến Tre và tôm càng xanh.
Đó là một nỗ lực mới của nhóm nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Tài nguyên môi trường (ĐHQG TPHCM), Trung tâm Thông tin Quốc phòng Thái Bình Dương và Viện Khoa học biển Virginia (Mỹ) thực hiện.
Họ kiểm tra và so sánh sự tích lũy, ảnh hưởng của vi nhựa cũng như vi nhựa có PCB – một nhóm các hợp chất hữu cơ khó phân hủy từng tạo được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị điện nhưng nay đã bị cấm do bị phát hiện có hại với sức khỏe ở hai loài thủy sản được nuôi nhiều ở Việt Nam là nghêu Bến Tre (Meretrix lyrata), và tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii).
Với các mẫu nghêu 6 tháng tuổi và tôm càng xanh giai đoạn hậu ấu trùng - khoảng 12 đến 15 ngày tuổi, kết quả phân tích của các nhà nghiên cứu cho thấy lượng vi nhựa tích tụ ở nghêu lớn hơn đáng kể so với tôm, và lượng vi nhựa trong các hệ tiêu hóa của cả hai loài này đều lớn hơn ở vỏ nghêu và mang tôm.
Trong vòng 28 ngày, chúng đều bị phơi nhiễm các vi hạt polyethylene (PEMBs), PCB-153, hoặc PEMB-liên kết với PCB-153 (PEMB-PCB). Dẫu chưa thống kê được ảnh hưởng của các chất này lên tỉ lệ sống sót của cả hai loài, nhưng nó làm giảm trọng lượng đáng kể lên nghêu.
Do sự tồn tại phổ biến của hai loài này ở châu Á Thái Bình dương, một trong những điểm nóng về ô nhiễm nhựa, nghiên cứu này đem lại dữ liệu có ý nghĩa trong việc tăng cường hiểu biết về ảnh hưởng của vi nhựa lên các loài này.
Kết quả được công bố trong “
Comparative accumulation and effects of microplastics and microplastic-associated PCB-153 in the white hard clam (Meretrix lyrata) and giant river prawn (Macrobrachium rosenbergii) following chronic exposure”, xuất bản trên tạp chí
Environmental Technology & Innovation.
Bài đăng số 1283 (số 11/2024) KH&PT
T. Nhàn