Để được tiến hành công việc bức xạ, các tổ chức, cá nhân phải có đội ngũ nhân lực được đào tạo về vật lý y khoa trong việc sử dụng chất phóng xạ, vận hành thiết bị chiếu xạ. Đặc biệt, các giấy phép của cơ sở do cùng một cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ được gộp lại lại thành một giấy phép chung.
Đó là một trong những điểm mới nổi bật được quy định trong Dự thảo Nghị định quy định điều kiện tiến hành công việc bức xạ và điều kiện hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử (viết tắt là Dự thảo Nghị định) được ông Nguyễn Ngọc Huynh, Phó Trưởng phòng, Phụ trách phòng Cấp phép, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBX&HN) cho biết tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định do Cục ANBX&HN tổ chức ngày 26/4 tại TPHCM.
Theo ông Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục ANBX & HN, việc xây dựng và ban hành Nghị định là rất cần thiết nhằm khắc phục các tồn tại của quy định hiện hành hành như các điều kiện còn chung chung, bất cập trong thời gian xử lý giấy phép, thời hạn giấy phép, thẩm quyền cấp phép,… Đồng thời, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động trong lĩnh vực bức xạ, ứng dụng năng lượng nguyên tử, đảm bảo an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ,…
Theo Dự thảo Nghị định, đối với việc sử dụng chất phóng xạ hở (thuốc phóng xạ) tại cơ sở y học hạt nhân, phải có ít nhất một nhân viên được đào tạo về vật lý y khoa. Trường hợp sử dụng thiết bị X quang chụp răng cầm tay, máy phát tia X trong phân tích huỳnh quang tia X và thiết bị soi bo mạch không cần có người phụ trách an toàn bức xạ. Đối với trường hợp vận hành thiết bị xạ trị áp sát phải có ít nhất một nhân viên được đào tạo về vật lý y khoa. Trường hợp vận hành thiết bị xạ trị từ xa phải có ít nhất một nhân viên được đào tạo về vật lý y khoa cho mỗi thiết bị xạ trị từ xa.
Đối với điều kiện xây dựng cơ sở bức xạ, cơ sở bức xạ phải đề nghị cấp giấy phép xây dựng trừ các cơ sở vận hành thiết bị chiếu xạ có cơ cấu tự che chắn theo thiết kế của nhà sản xuất; cơ sở vận hành thiết bị gia tốc soi chiếu kiểm tra hàng hóa. Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng quy định, trước khi chấm dứt hoạt động cơ sở bức xạ, các cơ sở phải đề nghị cấp giấy phép chấm dứt cơ sở chiếu xạ công nghiệp; cơ sở sản xuất, chế biến chất phóng xạ; cơ sở bức xạ khác có tạo ra chất thải phóng xạ trong quá trình tiến hành công việc bức xạ.
Đối với trường hợp nhập khẩu chất phóng xạ kín, phải có cam kết của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp để nhận lại nguồn khi nguồn hết hạn sử dụng, nếu các đối tác đó có chính sách nhận lại nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.
Hiện nay, một cơ sở phải có nhiều các loại giấy phép trong hoạt động tiến hành công việc bức xạ, sử dụng, lưu trữ, chất phóng xạ, thiết bị bức xạ, thiết bị X – quang, vận hành thiết bị chiếu xạ, nhập khẩu, lưu giữ,… “Các giấy phép do cùng một cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ được gộp chung thành một giấy phép để tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho cơ sở” – ông Huynh nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thúy Nhâm, Bệnh viện Quân y 175, cho biết, hiện nay quyền hạn của người phụ trách an toàn bức xạ trong cơ sở còn yếu. Các quyết định dừng công việc không an toàn phải được chủ cơ sở đồng ý mới được chấp nhận. Vì vậy, Nghị định cần quy định cụ thể về trách nhiệm và quyền hạn của người phụ trách an toàn bức xạ. Bà Nhâm cũng băn khoăn, hiện nay, vai trò của vật lý y khoa trong chẩn đoán hình ảnh chưa được đề cập trong Dự thảo Nghị định. Trong khi đó, trong các cơ sở bức xạ lớn thì khoa chẩn đoán hình ảnh có rất nhiều thiết bị X quang, CT, cần có người phụ trách, đảm bảo chất lượng thiết bị, hình ảnh hoặc tối ưu hóa liều trong chẩn đoán.
Ông Nguyễn Văn Biên, Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro, thì cho rằng, việc báo cáo với Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân hiện nay còn nhiều bất cập. Nên chuyển hình thức báo cáo điện tử thay vì báo cáo giấy chuyển qua bưu điện. Theo đó, Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân nên có một đầu mối, hộp thư điện tử để nhận các thông tin báo cáo thường xuyên như mỗi lần nạp mới nguồn phóng xạ. Đồng thời, thiết lập một thư mục cho mỗi cơ sở bức xạ trên hệ thống của Cục để quản lý và giảm tải việc cung cấp hồ sơ đã có khi yêu cầu gia hạn giấy phép sử dụng nguồn phóng xạ hoặc các báo cáo khác.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, cần bổ sung và làm rõ hơn một số vấn đề trong Dự thảo Nghị định như thanh lý nguồn phóng xạ, đào tạo nhân lực vật lý y khoa, giảm bớt các thủ tục gia hạn giấy phép,… Các ý kiến thắc mắc, đóng góp cho Dự thảo Nghị định đã được Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định giải đáp cụ thể và tiếp thu, nghiên cứu để đưa vào Nghị định.