Hội nghị pháp quy hạt nhân toàn quốc lần 3 diễn ra tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh ngày 25 đến 27/7/2018 đã đặt ra những vấn đề về công tác quản lý nhà nước về an toàn và bức xạ hạt nhân.
Theo thông tin từ hội nghị, trong ba năm 2015-2017, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản phục vụ công tác quản lý Nhà nước về an toàn an ninh trong lĩnh vực ứng dụng bức xạ và hạt nhân, ứng phó sự cố do Cục An toàn bức xạ và hạt nhân triển khai đã có nhiều tiến bộ, không tồn đọng hồ sơ cấp phép cho các hoạt động trong lĩnh vực NLNT.
Cùng với đó, công tác xây dựng năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân, sự phối hợp với các Bộ ngành được nâng cao thông qua các kênh hợp tác quốc tế, góp phần phục vụ hiệu quả việc triển khai các ứng dụng NLNT ở nước ta.
Ông Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục ATBXHN cho biết, để phát huy hiệu quả của những hoạt động này, cần tăng cường trách nhiệm, sự phối hợp và phân cấp hợp lý trong công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân cả ở trung ương và địa phương nhằm bảo đảm an toàn, an ninh và hiệu quả đối với các hoạt động này ở Việt Nam. Vấn đề lớn nhất trong công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ trong ba năm qua là nguy cơ thất lạc, mất mát nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATBXHN và khắc phục các hạn chế yếu kém thời gian qua, theo ông Nguyễn Tuấn Khải cần phải có một số giải pháp như: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; tăng cường công tác thẩm định cấp phép; tăng cường công tác thanh tra và xử lý vi phạm; Tổ chức công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo về bảo đảm an toàn và an ninh nguồn phóng xạ; Áp dụng các giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ công tác quản lý; Tăng cường năng lực cho công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân ở trung ương và địa phương.
Theo số liệu từ báo cáo về công tác QLNN về ATBXNHN năm 2018 của 61 Sở KH&CN, hiện có 3133 cơ sở có sử dụng thiết bị X quang trong chẩn đoán y tế với 8536 thiết bị X quang đã được cấp phép trong chẩn đoán. |
Thu Hiền