Đây là kết quả do TS. Phan Mạnh Hùng và cộng sự ở ĐH Công nghệ Delft (Hà Lan) mới công bố trong bài báo “Managing mangroves and coastal land cover in the Mekong Delta” trên tạp chí Ocean & Coastal Management.
Mặc dù là rào chắn sinh học quan trọng ven biển song rừng ngập mặn ở Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long đang ngày càng suy giảm. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã xem xét sự thay đổi diện tích rừng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long trong gần nửa thế kỷ (1973-2020).
Sau khi sử dụng các kỹ thuật viễn thám và GIS để lập bản đồ hiện trạng lớp phủ đất, họ phát hiện tổng diện tích rừng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 1973-2020 đã giảm gần một nửa. Các nguyên nhân chính đe dọa sự phát triển của rừng ngập mặn bao gồm ô nhiễm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giảm trầm tích, xói mòn bờ biển và phương pháp phục hồi rừng ngập mặn chưa phù hợp với các địa phương. Trong giai đoạn này, nuôi trồng thủy sản đã gây suy giảm khoảng 2150ha rừng ngập mặn mỗi năm, xói lở bờ biển làm giảm khoảng 430ha/năm.
Để cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ rừng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, nhóm nghiên cứu cho rằng một trong những cách tiếp cận phù hợp nhất là áp dụng mô hình nuôi tôm kết hợp với trồng rừng ngập mặn.
Thanh An