Diễn đàn Hiệu trưởng đại học Việt Nam - LB Nga tại Hà Nội mới đây đã thảo luận các vấn đề hợp tác đào tạo và nghiên cứu giữa các trường đại học của hai nước dựa trên thế mạnh và nhu cầu của mỗi bên.


Sinh viên Việt Nam tại trường Đại học Tổng hợp Quản lý Quốc gia Nga (GUU), Moscow. Nguồn: sputniknews.com

Chiều 28/5, Diễn đàn Hiệu trưởng đại học Việt Nam - LB Nga đã được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, với sự tham dự của 30 cơ sở giáo dục giáo dục đại học của LB Nga và 35 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.

Diễn đàn tập trung thảo luận các nội dung chính như: Tăng cường các chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học của LB Nga và Việt Nam, trong đó ưu tiên các lĩnh vực như năng lượng, công nghệ thông tin, luật, mỏ - địa chất, giao thông, kinh tế - quản lý, nông nghiệp, nghiên cứu về biển, thủy sản, môi trường; Đẩy mạnh trao đổi sinh viên, xây dựng thỏa thuận tiến tới công nhận tín chỉ và văn bằng lẫn nhau; Tăng cường trao đổi giảng viên.

Đặc biệt, Diễn đàn cũng thảo luận vấn đề hình thành các nhóm nghiên cứu quốc tế, theo đó, cơ quan quản lý giáo dục Việt Nam – LB Nga khuyến khích các trường xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc theo các lĩnh vực có thế mạnh của mỗi bên. Các nhóm nghiên cứu này sẽ chủ động xây dựng dự án, chương trình nghiên cứu chung để cùng khai thác hiệu quả hơn các phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất của các bên; đồng thời chủ động kết nối với các doanh nghiệp để tìm kiếm nguồn kinh phí tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu, cùng tham gia nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, 17 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác - bao gồm các thỏa thuận về trao đổi sinh viên đã được ký - giữa 12 trường đại học của Việt Nam với 11 trường đại học của LB Nga. Trong đó, về phía Việt Nam có các trường như: Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Sư phạm Hà Nội; Đại học Thủy lợi; Đại học Kinh tế Quốc dân; Học viện Ngân hàng; Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM; Đại học Kiến trúc TPHCM… Về phía Nga có các trường như: Đại học Xây dựng Quốc gia; Đại học Tổng hợp Tài chính trực thuộc Chính phủ LB Nga; Đại học Kỹ thuật xây dựng dân dụng Moscow; Trường Tổng hợp Kỹ thuật Quốc gia về Cầu đường Moscow; Đại học Tổng hợp Ngôn ngữ Quốc gia Moscow; Đại học Hàng không Moscow; Đại học Tổng hợp Liên bang Ural; Đại học Tổng hợp Liên bang Kazan; Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Volgograd…

Dự kiến sau Diễn đàn, một Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam - LB Nga sẽ được thiết lập nhằm thắt chặt hơn quan hệ hợp tác giáo dục, đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học của hai nước.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 1950 đến năm 1991, Liên Xô đã tiếp nhận và đào tạo gần 50.000 công dân Việt Nam, chiếm đa số là trình độ đại học với khoảng 3.000 phó tiến sĩ và hàng trăm tiến sĩ khoa học.

Năm 2005, sau khi hai nước ký kết Hiệp định hợp tác về giáo dục và đào tạo, LB Nga đã tăng cường tiếp nhận công dân Việt Nam sang học tập. Số học bổng mà LB Nga cấp cho Việt Nam liên tục tăng và hiện nay vào khoảng 1.000 suất/năm.

Tại thời điểm năm 2018, có khoảng 6.000 lưu học sinh Việt Nam đang học tập ở LB Nga, trong đó số lưu học sinh theo diện Hiệp định chiếm khoảng 3.500 người.

Hàng năm, Việt Nam cũng tiếp nhận khoảng 20 đến 30 lưu học sinh LB Nga sang học tập theo diện Hiệp định.