Đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo hệ thống La Hay giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh là nội dung chính được đại diện Cục Sở hữu trí tuệ trao đổi và hướng dẫn các doanh nghiệp tại Hội thảo “Hệ thống La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp” tại Hà Nội ngày 25/11.
Bảo hộ tài sản trí tuệ nói chung và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nói riêng ở trong nước và quốc tế là xu hướng tất yếu mà tất cả các doanh nghiệp Việt Nam cần phải quan tâm trong bối cảnh hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do mới đây. Trong đó, Thỏa ước La Hay mà Việt Nam mới gia nhập cuối tháng 12 năm 2019 tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đăng ký sở hữu kiểu dáng công nghiệp – có khả năng được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở trong nhiều nước trong hệ thống La Hay (có 74 nước) mà chỉ cần nộp một đơn duy nhất cho Văn phòng quốc tế của WIPO, bằng một ngôn ngữ duy nhất (tiếng Anh hoặc tiếng Pháp), với một khoản phí bằng một loại tiền duy nhất (franc Thụy Sỹ). Thỏa ước La Hay cũng đơn giản hóa tối đa việc quản lý tiếp đối với kiểu dáng công nghiệp, do có thể ghi nhận những sự thay đổi về sau hoặc gia hạn đơn nộp thông qua một thủ tục đơn giản duy nhất với Văn phòng quốc tế của WIPO. Hệ thống La Hay còn cho phép các đơn vị có thể nộp lên tới 100 kiểu dáng công nghiệp trong cùng một đơn, tại một thời điểm.
Trong năm 2019, có tổng số 5886 đơn xin bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được đăng ký qua hệ thống La Hay, với trung bình 3,7 kiểu dáng mỗi đơn. Các đơn chỉ định bảo hộ ở thị trường EU là nhiều nhất. Sau một năm cũng đã có 143 đơn chỉ định bảo hộ ở Việt Nam, với tổng số 259 kiểu dáng công nghiệp.
BN