Chiều 25/11 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Lễ phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020 với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”.

Năm 2012, Liên Hợp Quốc đã phối hợp với chính phủ Việt Nam triển khai chiến dịch hành động cấp quốc gia, nâng cao nhận thức và kêu gọi hành động, hưởng ứng chiến dịch toàn cầu về bình đẳng giới nhằm chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Kể từ đó đến nay, chiến dịch được tổ chức đều đặn hằng năm với quy mô và đối tượng ngày một mở rộng.

Đáng chú ý, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 với quyết tâm giảm khoảng cách về giới, nâng cao vị thế của phụ nữ thông qua các chính sách, chương trình về bình đẳng giới, cũng như hướng đến việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, ghi nhận 15/11 đến 15/12 hằng năm là tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

Hòa vào tinh thần đó, Bộ KH&CN đã tổ chức Lễ phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020.

Có mặt tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết: “Với chủ đề ‘Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em’, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ KH&CN cùng chung tay hành động để tạo ra những tác động thực sự đến từng cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, dựa trên bốn tinh thần chính:

Thứ nhất: Tuyên truyền, vận động toàn xã hội góp sức nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

Thứ hai: Thúc đẩy, thực hiện luật pháp, chính sách, vận động xã hội về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

Thứ ba: Khuyến khích kêu gọi mọi người cùng lên tiếng, cùng hành động để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái

Thứ tư: Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em cho cha mẹ, các thành viên trong gia đình, người làm công tác bình đẳng giới và bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Thứ năm: Giảm thiểu tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em."

Thứ trưởng khẳng định: "Chúng ta có thể cùng nhau thay đổi, đưa môi trường sống, làm việc xung quanh chúng ta trở thành môi trường sống bình đẳng giữa nam và nữ.”

Các đại biểu có mặt tại buổi lễ ký tên hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020.

Cũng tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thúy, từng là chuyên gia của Cơ quan phát triển phụ nữ Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, chia sẻ: “Theo Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ Việt Nam năm 2019, 63% phụ nữ từng phải chịu đựng ít nhất một hình thức bạo lực (thể xác, tình dục, tinh thần, kiểm soát hành vi, và/hoặc bạo lực kinh tế) do chồng gây ra trong đời. Thế nhưng đại đa số phụ nữ chịu bạo lực không bao giờ tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc nộp đơn trình báo về các lý do như rào cản về văn hóa – xã hội và rào cản về cơ cấu (quy trình, cơ chế…).”

Chính vì vậy, bà kêu gọi mọi người ủng hộ bình đẳng giới, bởi “Bình đẳng giới vô cùng quan trọng. Ông Boutros Boutros-Ghali, Nguyên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc từng nói: ‘Loài người như đôi cánh chim, một cánh là phụ nữ, một cánh là nam giới. Chỉ khi hai cánh này được phát triển một cách bình đẳng thì loài người mới bay lên được.’ Vì vậy, sự nghiệp bình đẳng giới và sự nghiệp tiến bộ của phụ nữ là sự nghiệp của loài người.”