Cán bộ chuyên trách của 20 đơn vị ở phía Nam thuộc Mạng lưới các Trung tâm SHTT và Chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp (TISC) Việt Nam đã tham gia khóa tập huấn do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức tại TPHCM từ ngày 19 – 20/12.
Mạng lưới các Trung tâm SHTT và Chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp (TISC) Việt Nam được thành lập theo sáng kiến của Tổ chức SHTT thế giới (WIPO).
Đến nay TISC đã có 59 tổ chức tham gia, với mục tiêu Bảo vệ quyền SHTT và thương mại hóa tài sản trí tuệ của các chủ thể Việt Nam. Thông qua mạng lưới, các thành viên được tiếp cận với thông tin KH&CN chất lượng cao và các dịch vụ liên quan; Khai thác tiềm năng đổi mới sáng tạo và xác lập, bảo vệ và quản lý quyền SHTT.
Ông Nguyễn Hùng, Trung tâm Thông tin Sở hữu công nghiệp, Cục SHTT cho biết, trong khoảng 10 năm (2008-2018), lượng đơn sáng chế của chủ đơn Việt Nam tăng đều hằng năm và chiếm khoảng 10% tổng số đơn đăng ký sáng chế nộp tại Cục SHTT (khoảng 500-600 đơn/năm). Lượng đơn giải pháp hữu ích của chủ đơn Việt Nam cũng tăng đều hằng năm và chiếm khoảng 65% tổng số đơn đăng ký giải pháp hữu ích nộp tại Cục SHTT (khoảng 200-300 đơn/năm). Tuy nhiên, số lượng bằng độc quyền sáng chế của chủ đơn Việt Nam hiện nay chỉ chiếm khoảng 6% tổng số bằng độc quyền sáng chế được cấp tại Việt Nam.
Mục tiêu trong hai năm tới của Cục SHTT là có ít nhất 50 trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong mạng lưới TISC thành lập được Trung tâm SHTT và Chuyển giao công nghệ trong. Ngoài ra, phấn đấu để lượng đơn đăng ký sáng chế của chủ đơn Việt Nam đạt mức tăng ít nhất 10%/năm – ông Hùng nói.
Ông cũng cho biết, tham gia mạng lưới TISC, ngoài được tham gia các lớp tập huấn miễn phí về SHTT, các thành viên còn được hỗ trợ trong việc nộp đơn sáng chế và thương mại hóa tài sản trí tuệ; Cung cấp dịch vụ tốt về tra cứu và phân tích sáng chế; Truy cập dữ liệu về sáng chế và phi sáng chế; Kết nối các thành viên trong mạng lưới với nhau để chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm;…
Bà Nguyễn Minh Huyền Trang, Phó Giám đốc Trung tâm SHTT và Chuyển giao công nghệ Đại học Quốc gia TPHCM, chia sẻ, giảng viên trong các trường đại học hiện nay chủ yếu quan tâm đến nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, chưa chú trọng nhiều đến SHTT, đăng ký sáng chế. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là do việc đăng ký sáng chế còn mất nhiều thời gian, nên phần lớn chỉ dừng lại ở phần đăng ký mà ít người theo đuổi đến cùng để cho ra được sáng chế.
“Ngoài ra, khó khăn trong việc viết đơn, mô tả sáng chế cũng là hạn chế khiến các thầy cô ngại đăng ký sáng chế hay giải pháp hữu ích” – bà Trang nói và cho biết, sau khi tham gia mạng lưới TISC, hầu hết các trường đại học trước đây nay đã có bộ phận chuyên trách về SHTT.
Tại khóa tập huấn, các học viên được trang bị các kiến thức về: Chính sách quản lý SHTT trong viện, trường; Khai thác thông tin sáng chế nhằm sử dụng tự do công nghệ trong nước, nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam; Sử dụng bản đồ sáng chế và báo cáo toàn cảnh sáng chế phục vụ mục đích dự báo, hoạch định chính sách nghiên cứu và phát triển; Tổng quan về chuyển giao công nghệ; Các dạng hợp đồng chuyển giao công nghệ; Tổng quan về thương mại hóa tài sản trí tuệ; Các biện pháp thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ trong viện, trường;…
Những nội dung nói trên nằm trong hai mô – đun cuối cùng (9, 10) của 10 mô-đun trong Chương trình tập huấn kỹ năng về SHTT cho các cán bộ chuyên trách về SHTT do Trung tâm Thông tin Sở hữu công nghiệp tổ chức năm 2019.
Trước đó, 8 mô – đun đã được tập huấn tại khu vực phía Nam với các nội dụng như Tổng quan về SHTT; Nhận dạng các đối tượng SHTT trong các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp; Thủ tục đăng ký sáng chế; Tính mới, trình độ sáng tạo của sáng chế; Khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế; Kỹ năng tra cứu tình trạng kỹ thuật; Các nội dung chủ yếu của đơn đăng ký sáng chế;…