29 hiện vật được Phó Thủ tướng ký quyết định công nhận trong đợt 12 này thuộc nhiều nền văn hóa, ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, từ thời tiền sử, Đông Sơn, Chăm Pa, Óc Eo, cho tới các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn và thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Các bảo vật quốc gia, có giá trị đặc biệt, đều gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại, là phát minh quan trọng, hoặc thể hiện tư tưởng triết học, thẩm mỹ ở mỗi thời kỳ lịch sử. Nhiều bảo vật đã trở thành các biểu tượng văn hóa và được giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa và đông đảo công chúng biết đến hoặc sử dụng hình ảnh, đường nét để đưa vào các sản phẩm truyền thông, văn hóa từ nhiều năm nay như trống đồng Sao Vàng, Phù điêu Apsara Trà Kiệu, Lá đề trang trí chim phượng làm bằng đất nung thời Lý, Bình gốm hoa nâu thời Lý, Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa) thời Lê…
Có nhiều hiện vật là biểu tượng thể hiện các giá trị văn hóa trong cung đình hoặc tiêu biểu cho lối sống của cư dân các nền hóa trong lịch sử như mũi khoan đá thời tiền sử, Bình đồng Đông Sơn, Chum gốm hoa nâu, Đao cẩn tam khí thời Trần, Thẻ bài cung nữ ra vào cung thời lê…
Đặc biệt, hiện vật có niên đại muộn, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp cũng được công nhận bảo vật quốc gia lần này là hai khuôn in tín phiếu mệnh giá 1 đồng và 50 đồng năm 1947 ở Quảng Ngãi. Việc lập xưởng in tín phiếu có ý nghĩa quan trọng ở thời kỳ này, giúp đảm bảo việc lưu thông tại vùng tự do, trong đó có lưu thông tiền tệ và hàng hóa, thậm chí còn đưa vào buôn bán ở một số vùng địch kiểm soát như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận…
Bài đăng số 1276 (số 4/2024) KH&PT
Bảo Như