Hiện nay, việc chuyển đổi số rất thuận lợi vì có rất nhiều công nghệ tốt, hạ tầng tốt, nhân lực tốt. Vì vậy, công tác chuyển đổi số giúp cho doanh nghiệp địa phương nhanh chóng bắt kịp khi cạnh tranh với các doanh nghiệp, thương hiệu quốc tế.
|
Du khách trải nghiệm ứng dụng Smart Guide tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Ảnh: VGP/Lưu Hương
|
Bên lề buổi phát động giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021 vừa mới diễn ra tại TP. Đà Nẵng, lãnh đạo địa phương và các doanh nghiệp đều nhận định rằng chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp.
Luật chơi tương lai "cá nhanh nuốt cá chậm"
Ông Vũ Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Dr SME cho rằng, nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp địa phương sẽ thua thiệt rất nhiều khi phải cạnh tranh với các thương hiệu quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, doanh nghiệp nhỏ trong nước sẽ bị doanh nghiệp “cá mập” nước ngoài “đè bẹp”, dần “chết yểu”.
Ngày hôm nay, các công nghệ chuyển đổi số như điện toán đám mây, vạn vận hấp dẫn (IoT)... đã có sẵn trong các giải pháp quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam do các đơn vị Việt Nam nghiên cứu và triển khai. Đây chính là một lợi thế quan trọng so với quá khứ nếu như các doanh nghiệp thật sự quyết tâm chuyển đổi.
Theo ông Vũ Tuấn Anh, luật chơi trong tương lai sẽ là “cá nhanh nuốt cá chậm” chứ không còn phụ thuộc vào quy mô lớn hay nhỏ. Nghĩa là ngay cả các doanh nghiệp “cá mập”, nếu không chịu chuyển đổi số thì vẫn có thể có ngày chấm dứt, hoặc trở nên èo uột, nhường lại sân chơi cho lớp “đàn em” nhưng lại nhận dạng nhanh các quy luật cuộc chơi, thích nghi nhanh với xã hội 4.0.
Chính vì vậy, nếu dũng cảm bước lên hành trình chuyển đổi số thì đây sẽ là đòn bẩy rất tốt để doanh nghiệp địa phương có thể tận dụng sức mạnh đặc thù, tri thức bản địa và các điều kiện riêng biệt của địa phương mình để vươn lên phát triển, xâm nhập thị trường toàn cầu và cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ tại cấp độ quốc gia và toàn cầu.
"Chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc, tuy nhiên, thực hiện chuyển đổi số không phải là tư duy ngày mai đi mua một phần mềm hay một công nghệ về áp dụng mà cần quan tâm tới bối cảnh nguồn lực và những điều kiện riêng mà doanh nghiệp đang có", ông Vũ Tuấn Anh cho biết.
Còn ông Ngô Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Softech Corporation thì cho rằng, trọng tâm chuyển đổi số trong doanh nghiệp là phát triển các phần mềm ứng dụng, có thể giải quyết các bài toán kinh doanh và vận hành doanh nghiệp hiệu quả hơn, nhanh hơn và chính xác hơn. Ví dụ như hệ thống thương mại điện tử, chăm sóc khách hàng, quản lý nhân sự...
Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần phải biết rõ mình muốn gì, mình cần gì, kỳ vọng trong tương lai như thế nào; còn thiếu gì để thỏa mãn dữ liệu đầu ra mà mình mong muốn.
Theo ông Ngô Thanh Tùng, hiện nay, việc chuyển đổi số rất thuận lợi vì có rất nhiều công nghệ tốt, hạ tầng tốt, nhân lực tốt. Công nghệ, công cụ, ngôn ngữ lập trình nhân sự là giống nhau nhưng quyết định giải pháp chuyển đổi số thành công thuộc về các chủ doanh nghiệp. Giải pháp số phải đáp ứng từng nhu cầu kinh doanh, quản lý của doanh nghiệp cụ thể. Từ đó, các chủ doanh nghiệp sẽ trang bị các gói công nghệ, cách thức áp dụng công nghệ phù hợp.
|
Ngoài triển khai theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Đà Nẵng còn mở rộng, bổ sung thêm nhiều chuyển đổi theo đặc thù phát triển của thành phố - Ảnh: VGP/Lưu Hương
|
Chủ động, triển khai kịp thời
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT TP. Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng có nhiều điểm thuận lợi để chuyển đổi số. Bên cạnh sự chủ động trong phát triển và hoàn thiện về hạ tầng chính quyền điện tử, Đà Nẵng còn sở hữu một lợi thế lớn về nguồn nhân lực. Đà Nẵng đang có trên 20 trường đại học và cao đẳng có khoa ngành đào tạo về CNTT. Mỗi năm, lực lượng lao động Thành phố lại được bổ sung thêm 5.000 nhân lực có trình độ công nghệ thông tin từ bậc đại học, cao đẳng trở lên.
Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn cũng là một động lực chuyển đổi số quan trọng cho công cuộc chuyển đổi số của Đà Nẵng. Với tỉ lệ 2,5 doanh nghiệp công nghệ số trên 1.000 người dân, Đà Nẵng hiện là địa phương có lực lượng doanh nghiệp công nghệ lớn bậc nhất cả nước.
Còn ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng xác định, chuyển đổi số là bước chuyển tất yếu, mang tính bắt buộc, nhằm chuyển đổi căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức Đảng; hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức, lối sống, làm việc của người dân; phát triển môi trường số văn minh, an toàn, rộng khắp và bao trùm.
Đây là cơ hội giải quyết các điểm nghẽn cũng như đột phá trong phát triển Thành phố, hướng đến TP. Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, đáng sống như Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Lê Quang Nam cho biết thêm, trong thời gian qua, Đà Nẵng đã tích cực triển khai chính quyền điện tử, thành phố thông minh; đã chủ động, kịp thời triển khai chuyển đổi số thông qua ban hành và triển khai các nghị quyết về phát triển hạ tầng CNTT-TT; triển khai chuyên đề tập trung đầu tư phát triển, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, điện tử, viễn thông phù hợp xu hướng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh.
Để triển khai chuyển đổi số thành công, Đà Nẵng đã và đang triển khai những bước bài bản: Hiện nay, dự thảo Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số đã được kỳ họp BCH Đảng bộ Thành phố thông qua, chuẩn bị ban hành. Tiếp sau đó, UBND Thành phố sẽ ban hành Đề án chuyển đổi số trong tháng 4/2021 và các cơ quan, địa phương sẽ ban hành kế hoạch chi tiết.
Đề án chuyển đổi số Đà Nẵng ngoài triển khai theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 còn mở rộng, bổ sung theo đặc thù phát triển của Đà Nẵng như: Mô hình tiếp cận cho riêng Đà Nẵng, chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, mặt trận, đoàn thể; bổ sung hàng chục chỉ tiêu so với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia (theo Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ)…