Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025” đã tạo điểm sáng về ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, tạo đà phát triển ở vùng nông thôn miền núi, dân tộc thiểu số.
Đó là những nhận xét được đưa ra tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện "Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025" (Chương trình KH&CN nông thôn miền núi).
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang phát biểu khai mạc Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang nhận xét, mặc dù là vùng có vị trí trọng yếu, có tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế chính trị, quản lý xã hội, an ninh quốc phòng; có tiềm năng rất lớn về đất đai, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử, nhưng vùng nông thôn, miền núi lại thiệt thòi nhất. Vùng chiếm hơn 60% diện tích tự nhiên của cả nước, là địa bàn sinh sống chủ yếu của hơn 12 triệu người thiểu số “lại thường được biết tới với năm cái nhất: có điều kiện khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội thấp nhất và tỉ lệ nghèo cao nhất”.
Nguyên nhân yếu kém của các vùng nông thôn, miền núi phức tạp do cả điều kiện khách quan về tự nhiên, khí hậu, thiếu đất sản xuất cũng như yếu tố chủ quan do xuất phát điểm của người dân nơi đây thấp, nguồn vốn sản xuất thiếu, trình độ dân trí thấp nên sẽ cần sự quan tâm giải quyết của nhiều ngành nhưng KH&CN được đánh giá là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu.
Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho biết trong những năm qua Bộ KH&CN đã chủ động tham mưu cho chính phủ triển khai các chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn miền núi. Các dự án thuộc Chương trình KH&CN nông thôn miền núi có công nghệ tiên tiến, phù hợp, xây dựng được những mô hình ứng dụng KH&CN hiệu quả, hướng tới giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội có tầm quan trọng với địa phương như nâng cao năng suất lao động, đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa tiềm năng của thị trường, phát huy lợi thế của từng vùng, hỗ trợ các doanh nghiệp ở nông thôn đổi mới công nghệ, hỗ trợ hình thành các ngành nghề mới nhằm phát huy các lợi thế của ngành nghề truyền thống.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm của Viện Dược liệu tại khu trưng bày sản phẩm của Chương trình KH&CN nông thôn miền núi bên lề Hội nghị. Nguồn dược liệu là một trong những lợi thế của các vùng nông thôn miền núi nên các dự án thuộc Chương trình chú trọng đến chuyển giao công nghệ về dược liệu. Trong giai đoạn 2016-2020, Viện Dược liệu đã tham gia hỗ trợ ứng dụng công nghệ cho 21 dự án về dược liệu trong cả nước.
Chương trình đã huy động hằng trăm viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp chuyển giao, ứng dụng và làm chủ hàng nghìn quy trình kỹ thuật, công nghệ thiết bị tiên tiến vào sản xuất và đời sống, xây dựng hàng trăm mô hình, đào tạo hàng trăm nghìn lượt cán bộ kỹ thuật và người dân nắm vững các tiến bộ kỹ thuật, góp phần đem lại hàng nghìn việc làm mới, sản phẩm mới. Chương trình đã tạo điểm sáng về ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, tạo đà nhanh cho các thành tựu KH&CN vào sản xuất và thúc đẩy phát triển ở vùng nông thôn miền núi, dân tộc thiểu số. Kết quả của chương trình được duy trì và phát huy nhân rộng, góp phần quan trọng vào việc phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn.
Báo cáo tại Hội nghị của Văn phòng Chương trình KH&CN nông thôn miền núi cho thấy, sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình, đã có 400 dự án trên 61 địa bàn tỉnh thành phố được phê duyệt. Khi kết thúc các dự án dự kiến xây dựng 1.309 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và công nghệ (đạt 109,1% so với mục tiêu đề ra); chuyển giao được 2.126 lượt công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số (đạt 141,7%).
Thông qua thực hiện dự án và các nhiệm vụ liên quan, Chương trình đã đào taọ, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án cho 1800/1500 cán bộ quản lý (đạt 120%); đào tạo được 3520 kỹ thuật viên cơ sở địa phương (đạt 140,8%), tập huấn cho 78.610 lượt nông dân về các tiến bộ khoa học đã được chuyển giao, ứng dụng cho dự án (đạt 98,3%).
Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện các tỉnh, một số tổ chức chủ trì thực hiện dự án, tổ chức hỗ trợ ứng dụng công nghệ đã chia sẻ kinh nghiệm những thành quả, thuận lợi cũng như khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Đồng thời, tập trung thảo luận một số vấn đề về rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, tổ chức triển khai thời gian qua. Cụ thể như việc hướng dẫn các tổ chức tham gia Chương trình thực hiện các dự án trên các lĩnh vực khác nhau như công nghệ chế biến sâu; công nghệ sau thu hoạch; mô hình ứng dụng chuyển giao công nghệ gắn với phát triển du lịch sinh thái…
Giới thiệu sản phẩm mỳ chũ, mỳ kế đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ của Bắc Giang. Trong báo cáo tham luận tại Hội nghị, Sở KH&CN cho biết mỳ chũ, mỳ kế đã được đăng ký bảo hộ thành công tại Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Có thể nói, với những địa phương điển hình như Bắc Giang “nếu không có KH&CN thì nông nghiệp của tỉnh không có sự phát triển rực rỡ như hiện nay”, ông Lê Ánh Dương, phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ về vai trò của Chương trình KH&CN nông thôn miền núi nói riêng và của việc đưa tiến bộ KH&CN vào thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nói chung. Có được kết quả tăng trưởng của nông nghiệp thường niên cao, và đặc biệt là năm nay được dự đoán là sẽ đạt 7.8% mặc dù chịu ảnh hưởng của Covid-19 là do tỉnh đã sớm chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào cho các sản phẩm truyền thống. Đến nay, Bắc Giang có 18 sản phẩm nông nghiệp chủ lực được hình thành thông qua chương trình, trong đó có hàng loạt sản phẩm được bảo hộ sở hưu trí tuệ thậm chí có nhiều sản phẩm được đăng ký bảo hộ thành công tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Để đảm bảo chuyển giao được hiệu quả, Báo cáo của Văn phòng KH&CN Nông thôn miền núi cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, Chương trình đặt ra yêu cầu cao về công nghệ ứng dụng trong dự án: phải là công nghệ được công nhận là tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới theo quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hoặc được tạo ra từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia đã được đánh giá, nghiệm thu từ mức đạt trở lên hoặc được Bộ trưởng Bộ KH&CN cho phép ứng dụng chuyển giao.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang và lãnh đạo các địa phương nghe giới thiệu về việc trồng khảo nghiệm thành công giống nho Hạ Đen không hạt của Trung Quốc ở tỉnh Bắc Giang. Nghiên cứu, đánh giá khả năng thích nghi của giống nho này doTrung tâm Nghiên cứu ứng dụng & Chuyển giao công nghệ Nông – Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giangcùng Viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Tây - Trung Quốc thực hiện.
Trong giai đoạn 5 năm tới, Chương trình KH&CN nông thôn miền núi sẽ phải chuyển giao được ít nhất 1500 lượt công nghệ (tương đương với 300 dự án), xây dựng được ít nhất 1000 mô hình (tương đương với 333 dự án), đào tạo ít nhất cho 1.500 kỹ thuật viên cơ sở ở địa phương (tương ứng với 187 dự án), tập huấn cho khoảng 60.000 lượt nông dân về tiến bộ KH&CN được chuyển giao (tương ứng với 306 dự án). Chương trình cũng đặt mục tiêu ưu tiên các đề xuất dự án do các doanh nghiệp có năng lực thực hiện để hỗ trợ hình thành doanh nghiệp KH&CN tại địa phương; dự án có công nghệ chế biến sâu, các công nghệ hiện chưa có địa phương đề xuất; ưu tiên chuyển giao các công nghệ về cây trồng chịu hạn mặn.
Bên cạnh những thành tích đạt được, Chương trình KH&CN nông thôn miền núi vẫn còn một số tồn tại cần được khắc phục, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, tổ chức triển khai. Đó là việc hướng dẫn các tổ chức tham gia Chương trình thực hiện các dự án trên các lĩnh vực khác nhau như công nghệ chế biến sâu, công nghệ sau thu hoạch, mô hình ứng dụng chuyển giao công nghệ gắn với phát triển du lịch sinh thái… vẫn còn hạn chế. Do vậy, thời gian tới cần có những giải pháp phù hợp hơn trong việc tổ chức lựa chọn dự án, lựa chọn công nghệ.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang đề nghị, trong giai đoạn tới, Chương trình cần phải rà soát, tham mưu Bộ để bổ sung chỉnh sửa hành lang pháp lý, quy trình tổ chức triển khai. Chương trình cần phải ưu tiên ứng dụng, chuyển giao sáng chế, các giải pháp hữu ích cho các địa phương, đặc biệt ứng dụng vào các sản phẩm chủ lực của địa phương. Các sở KH&CN địa phương cần phải chủ động bám sát mục tiêu Chương trình để tham mưu cho UBND tỉnh các dự án phù hợp nhằm tăng sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa cho các địa phương. Đồng thời, phải có kế hoạch nhân rộng, huy động các doanh nghiệp ở địa phương tham gia, hấp thụ công nghệ.
Giới thiệu sản phẩm của công ty Cổ phần Ong Tam Đảo, đơn vị thực hiện dự án "Ứng dụng tiến bộ KH&CN, phát triển nghề nuôi ong mật và chế biến các sản phẩm ngành ong theo hướng sản xuất hàng hóa tại tỉnh Vĩnh Phúc". Nhờ được trang bị các máy móc hiện đại (máy hạ thủy phần, tủ sấy phấn hoa, bồn phối trộn, máy đóng viên nang, máy lọc rượu, hệ thống tank lên men), tiếp nhận các công nghệ mới mà công ty đã có các dòng sản phẩm như mật ong sữa chúa, viên nang sữa ong chúa, rượu vang mật ong đạt chuẩn xuất khẩu.