Trong cuộc thi này, các học sinh thực hành đo chất lượng không khí ở nhà, khu dân cư, trường học… để từ đó biết cách bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và môi trường xung quanh tốt hơn trước ô nhiễm không khí.

Thuyết trình về một dự án nghiên cứu của nhóm THPT. Ảnh: Live&Learn
Thuyết trình về một dự án nghiên cứu đo chất lượng không khí xung quanh trường của nhóm THPT. Ảnh: Live&Learn

Trong tháng 11 và 12/2022, các học sinh từ 6-18 tuổi trên cả nước đã đăng ký tham dự cuộc thi "Nhà khoa học nhí đi tìm không khí sạch” và tham gia 3 buổi tập huấn online về kiến thức chung liên quan đến ô nhiễm không khí, cách sử dụng máy đo chất lượng không khí để thực hiện các thí nghiệm khoa học đơn giản và sử dụng dữ liệu được cung cấp bởi các đơn vị quan trắc.

Trên cơ sở này, các "nhà khoa học nhí" có thể phân tích dữ liệu đo ô nhiễm không khí và chia sẻ các phát hiện của mình thông qua các sản phẩm truyền thông sáng tạo (video, canvas, kịch, poster…) hoặc báo cáo nghiên cứu khoa học đơn giản (ảnh, biểu đồ, silde,…)

Ở mỗi dự án, các học sinh thực hành đo chất lượng không khí ở nhà, khu dân cư, trường học… để từ đó biết cách bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và môi trường xung quanh tốt hơn trước ô nhiễm không khí.

Ban tổ chức cho biết, cuộc thi lần thứ hai đã diễn ra hết sức thành công với sự tham gia của hơn 250 đội trên khắp toàn quốc và cuối cùng nhận được hơn 80 bài dự thi chất lượng ở các khối Tiểu học, THCS và THPT.

Các bài thi đã thể hiện sự tìm tòi, khám phá của các bạn nhỏ về chất lượng không khí khi nấu ăn, khi có hiện tượng đốt; chất lượng không khí tại nhà, trường học, địa điểm gần làng nghề, công trình xây dựng,…

Trong số đó, 22 dự án xuất sắc nhất được lựa chọn vào vòng chung kết và 15 dự án được nhận giải. Cụ thể:

Khối tiểu học:

• Giải Nhất: Nhóm Oxygen (Trường Tiểu học Vinschool Times City, Hà Nội)
• Giải Nhì: Nhóm Green Muggles (Lớp 4, Trường Tiểu học Việt Nam-Cu ba, Hà Nội)
• Giải Ba: Nhóm Vì một Hà Nội xanh (Lớp 3+4, Trường Tiểu học Lê Văn Tám, Hà Nội)

Khối THCS:

• Giải Nhất: Nhóm Khám phá (Lớp 6+7, THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội)
• Giải Nhì: Nhóm GEP (Lớp 7+8, Trường Tiểu học và THCS Hà Nội-Thăng Long, Hà Nội)
• Giải Ba: Nhóm THCS An Lạc (Lớp 8, Trường THCS An Lạc, TPHCM)

Khối THPT:

• Giải Nhất: Nhóm Dookki (Lớp 10 các Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, Hà Nội)
• Giải Nhì: Nhóm Tiny Green (Lớp 11, Trường THPT M.V. Lômônôxốp, Hà Nội)
• Giải Ba: Nhóm 11imilo (Lớp 11, Trường THPT M.V. Lômônôxốp, Hà Nội)

Các giải thưởng phụ:
  • Giải Sáng tạo: Nhóm Frische Luft (Lớp 9, Trường THCS M.V. Lômônôxốp, Hà Nội)
  • Giải Yêu thích:
    • Nhóm H. I. /er/ (Lớp 10, Trường THPT M.V. Lômônôxốp, Hà Nội)
    • Nhóm Tiny Green (Lớp 11, Trường THPT M.V. Lômônôxốp, Hà Nội)
Các đội đạt giải nhất của khối Tiểu học, THCS và THPT trong cuộc thi nhà khoa học nhí đi tìm không khí sạch năm 2022. Ảnh: Live&Learn
Các đội đạt giải nhất của khối Tiểu học, THCS và THPT trong cuộc thi nhà khoa học nhí đi tìm không khí sạch năm 2022. Ảnh: Live&Learn

Những bài học mới

Nguyễn Phương Linh (9 tuổi), học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội kể, trông thấy khói bay ra khi bố thắp hương, Linh và em gái đã nảy ý định dùng máy đo xem chất lượng không khí thay đổi như thế nào. Sau một tháng đo đạc, hai bạn nhỏ kết luận rằng, "Ngày thắp hương thì chỉ số chất lượng không khí AQI tăng đến mức nguy hại, không thắp hương thì chỉ số ở mức tốt, hoặc mở cửa sổ ra thì chỉ số cũng thấp hơn”.

Trong quá trình tìm hiểu thông tin về khói hương, hai bạn gặp một số từ khó cần được bố giải thích - chẳng hạn như PM2.5, benzen, axit phophoric, viêm hô hấp mãn tính hoặc biến đổi tế bào - nhưng hai bạn nhỏ rất hào hứng với việc tìm ra giải pháp giảm khói. Linh tự hào nói em đã gợi ý cho bố nhiều phương án, chẳng hạn như không tập trung đông người khi thắp hương, không dùng vách kính chết, dùng hương điện để thay cho hương hóa học.

Trong khi đó phụ huynh của Phương Linh, chia sẻ rằng anh cực kì ấn tượng với những phát hiện của hai cô con gái. Bình thường anh cũng thấy khói hương ảnh hưởng nhưng không nghĩ chúng nguy hại đến mức đó.

Là một giảng viên đại học, anh đánh giá rất cao cách tiếp cận của Cuộc thi. “Tôi thấy những nghiên cứu như thế này của các con có ý nghĩa cảnh tỉnh cho mọi người về sự nguy hại của những vấn đề ô nhiễm môi trường đang diễn ra ngay xunh quanh mình”, anh nói và kỳ vọng cuộc thi sẽ được nhân rộng, thậm chí trở thành một cuộc thi quốc gia, để học sinh có phương pháp nhìn nhận thực tế.

Trong khi đó, bốn bạn học sinh của nhóm Frische Luft ở Trường THCS M.V. Lômônôxốp cảm thú vị khi lần đầu tiên làm việc trong một dự án "to và khắc nghiệt hơn" so với những hoạt động ở trường. Mặc dù đang ở ngưỡng cửa chuẩn bị thi tốt nghiệp, bốn bạn vẫn quyết tâm dành thời gian hai tuần để làm video dự thi. Các bạn cho biết, qua thử thách làm nhà khoa học nhí, các bạn đã học được cách giải quyết những bất đồng từ việc có quá nhiều ý tưởng và truyền đạt thông tin không rõ ràng để đi đến thống nhất. Sau khi hiểu thêm về ô nhiễm không khí, các bạn tâm sự rằng trong tương lai sẽ làm một cái gì đó để thúc đẩy tái chế rác và giảm tác động đến môi trường.

Cuộc thi Nhà khoa học nhí đi tìm không khí sạch 2022 do Live & Learn và Đại học Y Dược TPHCM tổ chức; và được hỗ trợ bởi Quỹ sáng kiến cựu học sinh 2022 (Alumni Engagement Innovation Fund 2022) của Đại sứ quán Mỹ.

Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Laser Pulse - Giảm ô nhiễm không khí liên quan đến giao thông: Phối hợp đa ngành giữa y tế, giáo dục và môi trường nhằm giảm tác động của ô nhiễm không khí liên quan đến giao thông trên trẻ em tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, 2021-2022" do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Đại học Purdue tài trợ.

Các đơn vị đồng hành của cuộc thi năm nay gồm Viện Goethe, Tạp chí Tia Sáng, Doanh nghiệp xã hội Tò he, Công ty Pam Air.

Bài thi của các nhóm được triển lãm tại website: https://khisachtroixanh.com/cuoc-thi-nha-khoa-hoc-nhi-2022-2