Nhóm các nhà khoa học, chuyên gia, tình nguyện viên phân tích dữ liệu và truy vết theo dấu dịch tễ phục vụ chống dịch COVID-19 vừa nhận định, chưa phát hiện thông tin cho thấy khả năng có ổ dịch khác ngoài Đà Nẵng.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi làm việc với Nhóm các nhà khoa học, chuyên gia, tình nguyện viên phân tích dữ liệu và truy vết theo dấu dịch tễ phục vụ chống dịch COVID-19 sáng 30/7. Ảnh: VGP

Sáng 30/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Nhóm các nhà khoa học, chuyên gia, tình nguyện viên phân tích dữ liệu và truy vết theo dấu dịch tễ phục vụ chống dịch COVID-19 (Nhóm).

Theo phân tích của Nhóm, tới nay dù chưa thể kết luận chắc chắn nhưng có thể nhận định, khả năng cao nguồn bệnh xuất hiện ban đầu từ Đà Nẵng.

Nhận định này được cho là rất quan trọng vì một khi xác định dịch từ Đà Nẵng thì chỉ cần thực hiện khoanh vùng dập dịch tại đây; còn các địa phương khác tập trung quản lý thật chặt chẽ, theo dõi sức khỏe những người đã đến, đi qua Đà Nẵng. Ngược lại, nếu các dữ liệu cho thấy khả năng dịch có thể xuất hiện đồng thời ở nhiều địa phương thì cần có các giải pháp mạnh trên quy mô rộng hơn, thậm chí là toàn quốc.

Biểu đồ thể hiện các ca mắc mới theo ngày tại Việt Nam.

Cũng theo phân tích của Nhóm, trên địa bàn Đà Nẵng, dù có một số ca ngoài cộng đồng nhưng “ổ dịch” lớn nhất cần tập trung là cụm 3 bệnh viện và trong các bệnh viện này, cần tập trung ở một số khoa. Nhóm dự báo trong vài ngày tới đây có thể sẽ liên tục phát hiện thêm hàng chục ca nhiễm mỗi ngày, chủ yếu liên quan tới “ổ dịch” này.

Ông Nguyễn Thế Trung, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ điện tử, Phó trưởng nhóm, nhận định: Kết quả phân tích dữ liệu đến thời điểm hiện tại có 2 điểm đáng chú ý. Thứ nhất, chưa phát hiện thông tin cho thấy khả năng có ổ dịch khác ngoài Đà Nẵng. Thứ hai, ổ dịch tại 3 bệnh viện ở TP Đà Nẵng khá giống với ổ dịch BV Bạch Mai. Điểm khác là dự báo số người nhiễm bệnh sẽ cao hơn ở Bạch Mai, số ca nặng cũng nhiều hơn, nhất là liên quan tới các bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo.

Nhóm do Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đứng đầu, liên tục làm việc từ đầu tháng 3 tới nay và “trực chiến” kể cả khi dịch ở trong nước được kiểm soát. Từ khi xuất hiện ca nghi nhiễm tại Đà Nẵng (ngày 23/7), Nhóm trực 4 ca mỗi ngày.

Các nhận định, dự báo của Nhóm được đưa ra dựa trên phân tích dữ liệu - trong đó có dữ liệu về xét nghiệm những người có triệu chứng tại các cơ sở y tế ở các địa phương - và kết nối trực tuyến với các đội “đặc nhiệm” do Bộ Y tế cử vào Đà Nẵng.

Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ông Bùi Thế Duy cùng tất cả các thành viên của Nhóm cam kết sẽ tiếp tục “không đêm, không ngày” để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, góp phần sớm dập được ổ dịch tại Đà Nẵng.

Sáng 31/7, Bộ Y tế công bố 45 ca mắc Covid-19 mới đang được cách ly tại các cơ sở Y tế Đà Nẵng, trong đó, có đến 33 trường hợp tại ổ dịch Bệnh viện Đà Nẵng.

45 bệnh nhân có độ tuổi từ 27-87 tuổi, trong đó có 33 trường hợp tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Như vậy, tổng số ca mắc ở nước ta là 509 ca, trong đó số ca mắc mới trong cộng đồng tính từ ngày 25/7 đến nay là 93 ca.

Trước đó, ngày 30/7, Hà Nội, Quảng Ngãi, Quảng Nam đồng thời đưa ra nhiều biện pháp nhằm truy vết các ca tiếp xúc với các bệnh nhân COVID-19 và khoanh vùng, dập dịch như thực hiện test nhanh, xét nghiệm khẳng định bằng PCR và tổ chức đưa đi cách ly tập trung theo quy định.

Nguồn kham khảo:

moh.gov.vn và baochinhphu