Báo cáo “Giáo dục để tăng trưởng” mới công bố của Worldbank cho thấy chênh lệch trong khả năng tiếp cận giáo dục đại học của các nhóm thu nhập khác nhau.

Tính đến năm 2020, chỉ có 7,3% học sinh từ các hộ gia đình thuộc nhóm hộ gia đình có thu nhập thấp nhất được tiếp cận giáo dục đại học, so với tỷ lệ 49,8% học sinh từ các hộ gia đình thuộc nhóm có thu nhập cao nhất.Thanh thiếu niên các dân tộc thiểu số có tỷ lệ tiếp cận giáo dục giáo dục đại học bằng 6%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 35,4% của học sinh thuộc nhóm dân tộc đa số.

Báo cáo đánh giá, yếu tố chính cản trở mong muốn theo đuổi giáo dục đại học của học sinh các hộ nghèo phổ biến là do gánh nặng chi phí tài chính cho việc học tập đối với các hộ gia đình. Học phí và tổng chi phí theo học đại học nói chung đã tăng hơn gấp đôi trong thời gian qua, trong khi đóng góp của hộ gia đình cho việc theo học đại học hiện trở thành nguồn đóng góp chính về học phí của sinh viên. Học phí mà các hộ gia đình phải nộp bình quân chiếm trên 65% nguồn thu của các cơ sở giáo dục đại học và chiếm từ 43 đến 60% tổng chi tiêu cho mỗi sinh viên. Chi phí cơ hội khi học đại học cũng ảnh hưởng tới khả năng theo học đại học của học sinh hộ nghèo, vì đi học đồng nghĩa với việc phải trì hoãn tham gia các hoạt động tạo thu nhập cho gia đình trong một số năm.

Hiện nay, Việt Nam chi cho giáo dục thấp hơn các quốc gia khác trong khu vực. Số liệu năm 2019 cho thấy, Việt Nam phân bổ 0,6% GDP cho giáo dục đại học, cao đẳng và dạy nghề, so với 0,86% tại Malaysia và 0,9% tại Hàn Quốc.